Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

CHẾT, THÂN TRUNG ẤM VÀ TÁI SINH


CHẾT,
THÂN TRUNG ẤM VÀ TÁI SINH

---o0o---

 1. CHẾT: 
Qua sự huân tập và ảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, ác nghiệp đã hình thành, thiết lập những mối liên kết với tâm thức qua những khuynh hướng có mục tiêu. Khi con người chết, nếu có những khuynh hướng như thế sẽ tiếp tục đầu thai trong vòng sanh tử luân hồi với thân và tâm được thừa hưởng từ sự tích lũy nghiệp thiện và ác ở kiếp sống vừa qua. 
Một số người chết vì kiệt sức hoàn toàn, một số khác chết do hao mòn phước đức, chết không đúng thời điểm hay còn gọi là bất đắc kỳ tử. 
Một người chết thường ở một trong ba trạng thái tâm: Thiện, Bất thiện và Vô ký. Trong trường hợp thứ nhất, người hấp hối có thể quán tưởng về Tam Bảo hay một vị thầy đức hạnh của mình, bằng cách đó tâm của vị ấy mới phát sinh tín tâm. Hoặc người hấp hối có thể nuôi dưỡng niềm hỷ lạc vô biên để thoát khỏi sự ràng buộc của những phiền não tham dục, luyến ái, thay vào đó bằng cách quán niệm Tánh không và Tâm từ bi. Ðiều này có thể tự người hấp hối làm hoặc qua sự trợ niệm của người khác. Nếu những yếu tố trên được nuôi dưỡng trong thời điểm hấp hối, một người chết với tâm thanh tịnh như thế thì việc tái sinh của họ sẽ được cải thiện. Ðây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết.  Mặt khác, ta nên tránh đánh thức, quấy nhiễu người đang hấp hối, điều đó chỉ khiến cho họ nổi giận thôi. Ðôi khi người thân và bạn bè tập trung quanh tử sàng bày tỏ niềm tiếc thương và khóc lóc bi thảm, sẽ làm cho người hấp hối khởi tâm tham ái và quyến luyến. Nếu người chết với tâm niệm bất thiện như thế, sẽ đẩy họ đầu thai vào cõi xấu, điều này rất nguy hiểm.  Trong bất cứ trường hợp nào, trạng thái tâm của người hấp hối bao giờ cũng quan trọng trước khi chết. Bởi vì ngay cả một người tu luyện tâm linh mà bị quấy rầy vào thời điểm ấy cũng làm cho phiền não phát khởi, chính trạng thái tâm này sẽ tạo ra ác nghiệp và đó là động cơ chính dẫn dắt người ấy tái sinh vào một cõi bất lợi như bao đường ba ác: Ð?a ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh. Vì thế, điều tối quan trọng cho cả người hấp hối lẫn người sống là tránh tạo ra những tình huống gây bất lợi cho tâm thức của người chết. Chúng ta cần biết điều này. 
Những người chết trong trạng thái tâm thiện đều có cảm giác mình từ trong bóng tối thoát ra ánh sáng, loại bỏ sự khổ đau và đạt được hạnh phúc. Có nhiều trường hợp người bệnh rất nặng, đến lúc gần chết đã nói ra những điều tốt đẹp thoải mái thay vì nói đến căn bệnh của họ. Còn đối với người bệnh tuy nhẹ nhưng nỗi sợ hãi quá lớn, giai đoạn cuối cùng này tâm họ luôn hoảng hốt, nên có cảm giác mình từ nơi ánh sáng đi vào trong bóng tối và từ nơi hạnh phúc bị rơi vào cảnh khổ đau. 
Một số người, thân thể ấm áp của họ đã bị suy yếu qua cơn bệnh nên họ trở nên khao khát muốn được hơi nóng, bằng cách này củng cố thêm cho khuynh hướng tái sinh của họ vào nơi như địa ngục nóng hoặc một nơi có khí hậu nóng. Những người khác thích cái mát lạnh, thích uống nước lạnh và khiến cho khuynh hướng tái sinh của họ hướng vào nơi như địa ngục hàn băng hay một nơi có khí hậu lạnh. Vì thế điều rất quan trọng là tránh khởi những ý niệm tham ái trong lúc chết và trực tiếp hướng tâm đến những điều thiện. 
2. THÂN TRUNG ẤM :  
Thân trung ấm (bardo/intermediate state) được hiểu nôm na là sự sống sau khi chết trước khi thần thức người ấy đi tái sinh vào một trong sáu cõi nào đó (Trời, Người, A tu la, Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh). Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân. Sau khi người ấy chết, thần thức thoát ra khỏi xác thì trụ lại ở thế giới trung gian này từ một đến bảy tuần lễ, rồi sau đó tìm kiếm một nơi thích hợp với nghiệp lực của mình mà đi tái sinh. Nếu trong thời gian này, thân trung ấm chưa tìm thấy một nơi tương ứng với mình để tái sinh thì nó lại chết đi sau mỗi bảy ngày, sau đó thần thức lại chuyển qua một thân trung ấm khác, chu kỳ sinh diệt này cứ lập lại cho đến khi thần thức đi tái sinh. 
Trong thời gian ở lại với cõi trung ấm này, vào những ngày đầu, vong linh không nhận ra mình đã chết, họ quay lại gia đình để gặp những người thân nhưng không ai hay biết, họ hỏi thăm từng người nhưng không ai trả lời, họ cố gắng sinh hoạt trở lại bình thường như lúc còn sống nhưng không thể được, cho đến khi họ tự phát hiện ra họ không có bóng hình trên đất, không có ảnh trên gương, họ mới biết là mình đã chết. Giờ đây, họ lần lượt nhớ lại những thiện và ác nghiệp mà họ đã tạo ra trong đời sống vừa qua. Tất cả những cảnh tượng hạnh phúc hay khổ đau trong suốt đời họ hiện ra trước mắt như một cuộn phim. Nếu là vong linh của người vốn từng tạo phước, tu tập tâm linh, thì luôn có những cảm giác yên bình, thanh thản và dễ dàng để tìm đường tái sinh vào cõi lành. Còn nếu những người từng tạo ra ác nghiệp, sống cuộc đời tiêu cực thì luôn đối mặt với những cảnh tượng khổ đau, kinh hoàng, sợ hãi, thất vọng và chán chường. Họ lang thang một cách tuyệt vọng trong cõi trung ấm và muốn tìm một thân xác để tái sinh tương xứng với nghiệp lực của họ. Nếu thân trung ấm có tu tập và làm chủ được thần thức của mình, thì người ấy chọn lựa cho mình một cảnh giới tốt để tái sinh, ngõ hầu tiếp tục tu luyện hoặc vì hạnh nguyện cứu độ chúng sinh. Bằng như trái lại, thì không có sự lựa chọn nào, dù muốn hay không thì thần thức của người ấy cũng buộc phải thọ sinh vào một cảnh giới nào đó khế hợp với nghiệp lực của mình. 
3. TÁI SINH: 
Nếu được tái sinh trở lại cõi người, thần thức của người ấy thấy cha mẹ tương lai của mình đang nằm với nhau. Nếu người ấy tái sinh thành người nam thì phát khởi tâm muốn chiếm hữu người mẹ mà rất ghét người cha. Nếu tái sinh trở thành người nữ thì ngược lại, thần thức người khởi tâm muốn giao hợp với người kia, nhưng lúc ấy họ chỉ thấy bộ phận sinh dục của người kia (nam hay nữ) mà không thể thực hiện được, do đó họ nổi giận, chính cơn giận này đã làm chấm dứt thân trung ấm của họ và thần thức của họ được chuyển qua đời sống kế tiếp, bằng cách nhập vào bào thai của người mẹ và bắt đầu với hình dáng của một con người. Khi ấy tinh cha và huyết mẹ được kết hợp với thần thức của người ấy, họ tự nhiên và dần dần phát triển thành một con người. 
Như đã nói ở trên, khi gần đến ngày tái sinh, thần thức của người ấy bị lôi kéo về nơi tái sinh tương lai, thậm chí nơi ấy là địa ngục. Ví dụ, một đồ tể nhìn thấy một con cừu, anh ta muốn đuổi bắt và giết chết nó, nhưng lập tức anh ta thấy bóng mờ xuất hiện, nên anh ta giận dữ, cơn giận đã làm kết liễu thân trung ấm và thần thức của anh ta rơi vào Ðịa ngục hay Súc sinh. 
Sự chuyển tiếp sự sống từ đời này sang đời khác là nghiệp lực. Nghiệp (karma) có một năng lực cá biệt và đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cấu tạo tâm tánh của con người. Nghiệp được hình thành dưới sự tập hợp của tam độc tham, sân, si hay vô minh và ái dục. Chính vô minh (ignorance) và ái dục (desire) là cội rễ của mọi ác nghiệp. Do ác nghiệp này mà khiến cho con người trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Ðể thoát khỏi vòng tuần hoàn khổ đau này con người phải nỗ lực tu tập đoạn diệt cho bằng được cội rễ của vô minh. Khi vô minh bị tận diệt thì ái dục cũng bị tận diệt, ái dục diệt thì sinh, lão, bệnh, tử, sầu bi khổ ưu não cũng không còn, khi ấy con người mới thật sự thoát khỏi vòng vây của sinh tử luân hồi.

CUỘC HÀNH TRÌNH ÐI ÐẾN KIẾP SAU

CUỘC HÀNH TRÌNH ÐI ÐẾN KIẾP SAU
---o0o---

Thượng tọa Pende Hawter, sáng lập Viện Dưỡng Ðường Tiếp Dẫn Karuna (Từ Bi) để chăm sóc người sắp lâm chung ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Ðại Lợi, đã thực hiện cuộc phỏng vấn các bậc Ðại sư Tây Tạng như Dalai Lama, Dilgo Khyentse Rinpoche, Kirti Tsen-shab Rinpoche, Garje Khamtul Rinpoche, và Geshe Lamrimpa, về tiến trình hấp hối, chết và tái sinh của con người. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 5 năm 1995 tại tỉnh Dharamsala, miền Bắc nước Ấn Ðộ. 
GIÚP ÐỠ CHO NGƯỜI HẤP HỐI
Hỏi: Xin cho biết cách nào tốt nhất để chúng ta có thể giúp đỡ cho người đang hấp hối và người vừa qua đời?
Ðức Dalai Lama: Khi gặp người đang hấp hối tuyệt đối tránh quấy rầy họ. Ð?c biệt là không làm cho họ nổi giận hoặc khóc lóc để họ sanh tâm quyến luyến. Ngược lại, phải nhắc nhở để họ hành trì, tu tập vào giờ phút cuối, ví dụ như quán tưởng hình ảnh của chư Phật, các vị thầy đức hạnh, Chúa Jésus, hoặc một lời dạy nào đó tùy theo tín ngưỡng của họ. Nếu người ấy không theo một tôn giáo nào, nên giúp đỡ cho họ chết trong thanh thản và yên bình. 
Khi người ấy trở nên hôn mê, nếu là hành giả, thì nhắc nhở pháp môn mà họ công phu thường ngày, đặc biệt là lúc họ sắp ra đi. Kế đó tụng một số bài cầu nguyện. Nếu thân nhân muốn tốt cho người đang hấp hối thì tự tụng niệm hoặc cung thỉnh chư tăng về nhà để cầu nguyện cho họ. Trường hợp không có chư Tăng tiếp dẫn, người thân trong gia đình có thể tụng thần chú Om mani padme hum, hoặc những thần chú khác mà họ biết, để tiếp dẫn cho người chết. Sau tang lễ, gia đình tiếp tục thọ trì, tụng niệm đến ngày thứ 49 cho hương linh dễ dàng tìm lối tái sinh vào cõi lành. 
Công việc mai táng thi hài còn tùy nghi theo mỗi nền văn hóa hay tập tục của người chết, điều này không mấy quan trọng, bởi vì một khi thần thức (consciousness) đã thoát thân thì xác chết ấy cũng giống như một đống đất. Tại một làng không theo Phật giáo thuộc miền Nam Ấn Ðộ, tập quán của họ là chôn cất thi hài rồi trồng cây lên mộ. Ðây là một cách để chấm dứt việc ô nhiễm không khí (air pollution) từ hỏa táng bằng củi đuốc, một tập tục thường thấy ở Ấn Ðộ, điều này còn tránh đi việc hủy diệt cây rừng, một tài nguyên quý giá của quốc gia. Ðây là một phương pháp tốt mặc dù nó không bằng như ở phương Tây nơi dùng điện để hỏa táng. 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Ðối với người hấp hối và người vừa chết, cách tốt nhất mà bạn muốn giúp đỡ là phát khởi lòng bi mẫn của chính bạn hướng đến với người sắp lâm chung. Lòng thương yêu và bi mẫn của bạn rất có ích cho người hấp hối, vì nó phát khởi từ lòng bạn nên bạn dễ dàng tỏ bày cho người ấy lòng bi mẫn vô điều kiện mà người sắp chết rất cần. Lòng bi mẫn thật sự của bạn sẽ tạo ra một bầu không khí yên bình cho người hấp hối nghĩ đến chiều hướng tâm linh cao cả và con đường tu tập của họ trong tương lai. Một điều quan trọng khác là bạn đừng xa lánh và bỏ người đang hấp hối một mình. Chết là sự thật và là một nỗi sợ hãi ghê gớm nhất đối với con người. Do đó, bạn nên ở bên cạnh họ, hoặc cầm tay họ nói lời an ủi, hoặc nhìn vào mắt họ với niềm cảm thông. Thân thể cũng có ngôn ngữ yêu thương của nó, hãy sử dụng nó đừng sợ hãi vì e rằng họ hôi hám, dơ bẩn hoặc sợ họ bắt mình theo, nếu bạn thể hiện được những cử chỉ trìu mến như thế, thì bạn sẽ đem lại cho người sắp lâm chung niềm an lạc lớn nhất ở cuối cuộc đời họ. 
Khi bạn chắc chắn người ấy đã chết, bạn vẫn duy trì lòng bi mẫn vô bờ của bạn và cùng với mọi người ở bên cạnh tử sàng mà tụng lớn danh hiệu chư Phật như Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di  Ðà hoặc danh hiệu 35 vị Phật v.v... Nếu bạn niệm Phật với lòng bi mẫn vô biên của bạn sẽ giúp cho người lâm chung một bước đường tái sinh. 
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Có hai hạng người cần xem xét ở đây. Thứ nhất là người có tín ngưỡng. Thứ hai là người không theo một tôn giáo đặc biệt nào. Nếu người hấp hối là một Phật tử thì chúng ta tụng kinh và niệm Phật tiếp dẫn siêu độ cho họ. Nếu người ấy không theo tín ngưỡng nào thì điều tốt nhất để giúp đỡ họ là khuyên họ nghĩ đến những người tốt và những điều tốt đẹp nhất trên đời. Khi một người đang hấp hối và trong giờ phút bối rối ấy, không gì tốt hơn là đem lại cho họ cái cảm giác bình an và ấm áp của lòng người, cảm giác này rất có ích cho tâm thức của họ. 
Tôi sẽ giải thích chi tiết về những gì để giúp đỡ hai hạng người này. Ðối với người theo đạo Phật, chúng ta có thể gợi cho họ hồi hướng về những gì mà họ từng quy y và tu tập. Chúng ta có thể nhắc cho họ nhớ về Bồ đề tâm, tỉnh thức tâm, thanh tịnh tâm và sự tập trung thiền định... Ðiều này rất có lợi cho một Phật tử. Ðối với người không có đạo, chúng ta có thể khuyên họ suy nghĩ rằng: "Cầu mong cho mọi người được hạnh phúc, cầu mong cho mọi sinh linh được an vui, cầu nguyện cho mọi chúng sanh thoát khỏi những khổ sầu của họ". Những ý tưởng muốn sự tốt đẹp đến với người khác, rất có ích cho người hấp hối. 
Ðối với Phật tử lúc sắp chết, nên nhắc cho họ nhớ về công hạnh của chư Phật, nhớ về hình ảnh của một vị Phật nào đó, có thể đặt một ảnh Phật trong phòng của họ... Ðiều này rất có ích và là điều kiện giúp cho vong linh tái sinh vào đất tịnh. 
Ngay sau khi người ấy chết, điều rất quan trọng cần lưu ý là không được đụng chạm đến thi hài của họ để cho tiến trình chết không bị gián đoạn, tiến trình này chỉ chấm dứt khi thân trung ấm (Bardo/Intermediate state) hoàn toàn thoát ra khỏi thân xác. Ở Tây Tạng, người thân phải đợi 48 tiếng đồng hồ sau mới tiến hành tang lễ. 
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Nói chung, khi đã xác định người ấy sẽ chết, điều quan trọng là phải hoàn thành mọi ước nguyện của họ. Nếu họ tỏ ra luôn luôn giận dữ thì chúng ta nên làm cách nào để ngăn chặn cơn giận của họ, giữ cho họ luôn ở trạng thái thanh thản và yên bình. Nên tránh gây ồn ào và di chuyển đi lại thường xuyên bên người ấy. Nếu người hấp hối quá quyến luyến người thân, vợ (hoặc chồng), cha mẹ con cái, thì tốt nhất không cho những người thân này đến gần tử sàng. Hãy cố gắng làm điều này để chấm dứt lòng luyến ái của người hấp hối. Nếu xác định chắc chắn rằng họ sẽ chết, thì chúng ta nên cho họ những đồ ăn thức uống và các thứ mà họ đòi hỏi để họ vui lòng và thỏa mãn, ngay cả thức ăn kiêng cữ trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, không được cung cấp độc dược và thức ăn có thể đe dọa đ?n mạng sống. 
Nếu chúng ta cố gắng nói Pháp cho người hấp hối nhưng họ không thích nghe, thì tốt nhất là đừng nói, vì điều này tạo cho họ có ác cảm đối với Chánh pháp. Với ý nghĩ như vậy thì đời sau họ sẽ không thích gần gũi với Phật pháp. 
Tương tự, nếu họ thích ăn uống mà mình không làm thỏa mãn ước muốn của họ, sẽ làm họ giận dữ và là nguyên nhân khiến họ đọa vào loài ngạ quỷ (hungry ghost). 
Nếu một người tin tưởng vào sự giúp đỡ của người khác và cũng là người từng giúp đỡ kẻ khác trong đời này, chúng ta nên nhắc cho họ nhớ về công hạnh tốt của họ và khen tụng về việc tốt mà họ đã làm. Việc này làm tâm họ vui và họ sẽ tái sinh ở một nơi đầy hạnh phúc. Nếu chúng ta giúp cho ước nguyện của người hấp hối hoàn thành, thì họ sẽ rất mãn nguyện. Ðiều này ngăn ngừa sự trỗi dậy lòng tham ái, giận dữ, quyến luyến và những tâm tà kiến khác của người hấp hối, nhờ đó giúp họ tái sinh vào cõi lành mà không đọa vào cõi xấu. 
Ðối với Phật tử và người từng thọ trì một pháp môn nào đó thì thật là thuận lợi nếu họ được chúng ta nhắc lại mười điều Phật dạy trước khi chết như sau: 
1.  Không nên khởi niệm tham đắm chấp thủ mọi dục vọng ở đời này. Nên cố gắng và tránh hướng tâm ái luyến đến người thân của mình, vì dẫu đời sau có gặp lại thì cũng phải chia lìa. Trong thời điểm hấp hối, ta phải bỏ tất cả mọi thứ lại phía sau. Ta cũng không nên chấp đắm tấm thân của mình, vì lúc chết ta phải rời bỏ nó. Ta không luyến tiếc các thứ như thức ăn, áo quần, nhà cửa, vì những thứ ấy cuối cùng cũng từ bỏ ta. 
2. Ta nên phát khởi lòng bi mẫn và thương yêu đối với mọi chúng sanh. 
3. Ta nên đoạn tận mọi phẫn uất và thù hằn, nếu không thì nó sẽ làm hại ta trong kiếp sau. 
4. Tất cả các giới pháp mà mình thọ trì nếu đã vi phạm thì phải cố gắng sám hối cho thanh tịnh trước khi chết. 
5. Ta phải phát tâm dõng mãnh trong đời vị lai sẽ thọ trì và giữ giới pháp thanh tịnh. 
6. Ta phải cảm thấy đau xót về những ác nghiệp mà mình đã gây tạo cho người khác trong đời này và phải sám hối để dễ dàng tái sanh. 
7. Ta phải nhớ đến những công đức mà mình đã làm trong đời này, những công đức của người khác đã làm và phát tâm sẽ tiếp tục làm trong vị lai. 
8. Ta nên nghĩ đã đến lúc mình phải ra đi để đến đời sau, không có gì sợ hãi cả, vì đó là quy luật tự nhiên có sinh ắt có tử. 
9. Phải quán thấy mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên sinh và cũng do nhân duyên mà hoại diệt. 
10. Ta phải quán thấy rằng mọi sự vật hiện tượng đều vô ngã để ta vượt thoát khỏi sầu và đạt được sự an lạc. 
Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Cách tốt nhất để giúp cho người hấp hối là lời nói và hành động của mình phải được thúc đẩy bởi lòng từ bi. Nếu có thể thì cung thỉnh các bậc thầy đức hạnh đến để làm pháp chuyển di tâm thức (transference of consciousness) cho người hấp hối. Pháp này Tạng ngữ gọi là Powa, được xem là một pháp tu đặc biệt có giá trị và hiệu quả nhất để giúp cho người hấp hối. Bạn quán tưởng hình ảnh đức Phật ở trên đầu người hấp hối. Quán tưởng những tia sáng chiếu rọi vào người sắp lâm chung làm sạch bản thể của họ, và quán thấy họ tan thành ánh sáng, hòa nhập vào ánh sáng của chư Phật. Việc chuyển di tâm thức có thành công hay không là còn tùy thuộc vào sức thiền định của người đang thực hiện pháp tu này. Pháp tu đặc biệt này không những dành cho người sắp chết mà còn có thể giúp tịnh hóa và chữa lành bệnh cho người còn sống. Các vị Lama vẫn thường dùng pháp này để cầu an thọ mạng cho người già yếu. Một số vị thầy cho rằng nên thực hiện pháp chuyển di tâm thức vào khoảng ngừng lại giữa hơi thở vào và hơi thở ra. Nhiều người khác thì nói rằng nên thọ trì pháp này càng nhiều càng tốt sau khi người đó chết để hộ trì cho thân trung ấm của họ dễ dàng tái sinh. 
Theo giáo nghĩa của Luật Tông thì nên hỏa táng thi thể càng sớm càng tốt sau khi chết. Nhưng theo Mật Tông thì tốt nhất là đừng di dời thân thể sau khi chết trong vòng ba ngàỵ 
Hỏi: Người sắp lâm chung rất đau đớn về thể xác và hãi hùng với nỗi sợ chết. Phương pháp nào tốt nhất để giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi đó? 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: ? phương Tây người ta thường dùng thuốc phiện hoặc thuốc an thần để giảm cơn đau thể xác của người hấp hối và giúp cho họ chết trong bình an. Tuy nhiên theo Phật giáo thì con người cần phải chết một cách đầy đủ ý thức, có sự tự chủ và tỉnh táo càng nhiều càng tốt. Vì thế cần phải kiểm soát sự đau đớn để nó không thể che mờ ý thức của người sắp lâm chung, đó là điều kiện cốt yếu của việc làm giảm sự đau đớn về thể xác. 
Thứ hai, làm gì để giúp người sắp chết vượt qua nỗi sợ chết?  Trước hết, bạn phải thật bình tĩnh và chính bạn cũng phải vượt qua nỗi sợ hãi ấy. Khi giúp đỡ người hấp hối, bạn cần phải lưu ý từng phản ứng của chính bạn, vì phản ứng của bạn sẽ phản chiếu trên phản ứng của người sắp chết và nó sẽ góp phần rất lớn vào sự an ủi của họ hay tàn phá họ. Khi niệm Phật tiếp dẫn, bạn cần chú ý trấn an người hấp hối rằng trong giờ phút cuối cùng này họ sẽ đối mặt với vô số những cảnh tượng hãi hùng khác nhau mà lâu nay họ chưa từng biết, và điều đó khiến cho họ vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên, bạn phải trấn an họ rằng đó chỉ là ảo ảnh hoàn toàn không có thật mà chỉ là sản phẩm từ ảo giác của người hấp hối. Nếu có thể hãy trao cho họ chuỗi ngọc Mani, hoặc một xâu chuỗi hạt của các thầy đức hạnh sẽ giúp đỡ cho họ vượt qua nỗi sợ hãi. (Chuỗi hạt ở đây là biểu tượng năng lực của bậc đạo sư)
Hỏi: Ðối với người không phải là Phật tử, họ không theo một tín ngưỡng nào, thì làm gì để giúp họ? 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Ðối với một người không tin hoặc không biết gì về đạo Phật, chỉ cho họ viên ngọc Mani cũng như an ủi và giải thích cho họ biết những cảnh tượng rùng rợn mà họ sắp thấy trong chốc lát chỉ là những ảo ảnh trong giấc mộng chứ không có thật. Nhờ sự dặn dò trước này, họ sẽ vượt qua nỗi sợ hãi khi hấp hối.

KHI NÀO THẦN THỨC CỦA NGƯỜI MỚI RA KHỎI THỂ XÁC?


KHI NÀO THẦN THỨC CỦA NGƯỜI MỚI RA KHỎI THỂ XÁC?

---o0o---

Hỏi: Ở phương Tây, dấu hiệu thông thường của cái chết là chấm dứt hơi thở và tim ngừng đập. Còn theo Phật giáo thì phải mất bao lâu sau khi việc này xảy đến thần thức mới thoát ra khỏi thể xác? 
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Có lẽ có hai hạng người cần xem xét ở đây. Thứ nhất, những người trẻ tuổi hoặc những người đã nằm chờ chết trong một thời gian dài. Hạng người này tâm thức rất tinh tế và thần thức của họ sẽ không lưu lại trong thể xác lâu, có thể chỉ một ngày thôi. Thứ hai là những người mạnh khỏe và cái chết đến nhanh, thần thức của họ lưu lại trong thể xác đến ba ngày.
Những cái chết khác như bất đắc kỳ tử(chưa đến thời điểm chết mà phải chết), chết vì tai nạn hay vì bạo lực. Chẳng hạn hai người đánh chém nhau, một người trong số đó chết đột ngột, thì thần thức của họ không lưu lại trong thể xác lâu. Nói chung, thời gian bao lâu tùy thuộc vào tâm thức nặng hay nhẹ của mình mà thoát ra khỏi thân xác sau khi chết. 
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Khi hơi thở dứt và tim ngừng đập, nó chỉ rõ rằng phần thô của thần thức đã tan mất. Tuy nhiên có nhiều trường hợp, phần tinh tế của tâm thức còn lưu lại trong xác thân người ấy hàng tuần lễ, thậm chí có lúc cả tháng. Nhưng hầu hết là phần tinh tế của tâm thức rời khỏi thể xác trong ba hoặc bốn ngày, trong thời gian này thi hài không bốc mùi hoặc thối rữa. 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Chưa thể khẳng định rằng một người bình thường, sau khi chết thần thức của họ rời khỏi xác trong ba ngày sau đó. Nhiều người lưu lại lâu hơn, nhưng một số người khác thì trụ lại thời gian ngắn hơn. Có nhiều ví dụ điển hình trong số các vị Lama Tây Tạng. Như đức Lama Ling Rinpoche, thầy dạy học của đức Dalai Lama, thần thức của ngài đã trụ lại trong xác thân cả tuần lễ sau khi viên tịch. Ở trong cộng đồng người Tây Tạng, những trường hợp tương tự vẫn thường xảy ra. 
Tóm lại, việc hỏa táng hoặc tiến hành tang lễ hay di chuyển thể xác tốt nhất phải đợi ba ngày sau. Tuy nhiên, ngày nay điều này khó thực hiện vì người ta sợ ô nhiễm, do vậy, nên làm phép chuyển di tâm thức trước khi động đến thể xác của người quá cố. 
Hỏi: Trường hợp của những người chết vì bệnh quá nặng như ung thư và Aids (Sida) thì thần thức của họ có thoát xác nhanh hơn không? 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Ðiều này không chắc chắn lắm. Việc thoát xác sớm hay muộn không thực sự tùy thuộc vào người chết bị tai nạn hay bị bệnh nặng, mà tôi nghĩ rằng việc ấy có liên hệ mật thiết đến thiện và ác nghiệp của người mất. Ví dụ, đối với một người tu tập theo pháp Dzogchen hay một pháp nào khác thì sau khi chết họ tiếp tục quán tưởng Tánh không và thần thức của họ duy trì lại trong thể xác rất lâu, cho dù họ không hề luyến ái tấm thân ngũ uẩn này. 
Hỏi: Các ngài có thể cho biết khi nào thì thần thức rời khỏi thể xác? Những dấu hiệu nào cho chúng ta biết rõ điều này? 
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche:  Một lần nữa chúng ta lại thảo luận về hai hạng người thoát xác sau khi chết. Bây giờ tôi sẽ không đề cập đến hạng người có thần thức lập tức thoát xác sau khi chết mà chỉ nói đến hạng người có phần tinh tế thần thức lưu lại trong thi thể nhiều ngày. Người ta nói rằng trước khi thần thức người ấy thoát ra khỏi xác thì trên thi thể họ sẽ có một điểm nóng được tụ lại duy nhất có màu đỏ hoặc màu trắng, điểm nóng tụ lại ở đâu thì thần thức sẽ thoát ra ở chỗ đó. Ví dụ, nếu điểm nóng hội tụ ở đỉnh đầu thì chúng ta tin rằng người ấy sẽ tái sinh vào cõi lành, điểm nóng tụ lại ở bàn chân thì chắc chắn người ấy sẽ đọa vào hạ giới. Dấu hiệu cho biết khi thần thức thoát xác sẽ có một ít máu chảy ra ở lỗ mũi hoặc tinh dịch thoát ra từ bộ phận sinh dục. 
Tuy nhiên, có một số người không thấy dấu hiệu này, đó là những người chết đột ngột vì tai nạn hay bị bệnh tim. Dấu hiệu này chỉ tìm thấy ở những người có tiến trình chết chậm và lâu. 
Ðại sư Geshe Lamrimpa:  Hầu hết người nào bị chết vì bệnh nặng thì khi thần thức rời khỏi thể xác đều có dấu hiệu máu hoặc chất nước vàng chảy ra từ lỗ mũi hoặc bộ phận sinh dục. Khi thần thức thoát ra thì thể xác mới có mùi hôi. Ðức Dalai Lama thứ 14 từng nói chuyện với các bác sĩ nổi tiếng ở phương Tây về vấn đề thần thức rời khỏi thể xác khi bệnh nhân tắt thở. Các bác sĩ đã trắc nghiệm và nói rằng họ đã thấy một làn khói trắng nhỏ thoát ra từ một điểm nào đó trên thân của người chết. Kết quả này được kiểm tra bằng máy móc và phân tích thể xác một cách cẩn thận. 
Những dấu hiệu như giọt máu hoặc nước vàng đều xảy ra đối với những người chết vì bệnh nặng. Tuy nhiên, thi thể người ấy thường được di chuyển quá nhiều trước khi thấy những dấu hiệu này, vì vậy những trường hợp như thế tuyệt đối không bao giờ xảy ra. Ở Tây Tạng, theo tập quán truyền thống phải giữ thi thể trong ba, bốn hoặc bảy ngày ngõ hầu giúp cho thần thức có đủ thời gian để thoát xác. Trong thời gian chờ đợi này, các lễ kỵ siêu cho người quá cố được tiến hành một cách nghiêm mật. 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Bạn có thể biết khi thần thức thoát xác dựa vào sự biến đổi của thi thể. Khi thần thức còn lưu lại trong thể xác thì bạn cảm thấy người ấy chưa chết thật sự, nước da của họ còn tươi và sáng lạ thường, giống như họ đang nằm ngủ. Nhưng một khi thần thức đã thoát xác thì lập tức ta thấy thi thể thay đổi khác liền, nước da khô, tái xanh đi và bắt đầu có mùi hôi. Lúc ấy, bạn mới có cảm giác đó là một xác chết chứ không phải là một người nữa. 
Những kinh nghiệm về làn khói hoặc giọt máu xuất ra khi thần thức thoát xác không phải lúc nào cũng nhìn thấy được, chúng ta chỉ gặp ở một số ít người. Trong số những người này, khi thần thức thoát xác, chất nước vàng chảy ra từ lỗ mũi và ở hạ bộ. Có một vị cao tăng Tây Tạng viên tịch, khi thần thức thoát xác, lỗ mũi của ngài liền chảy ra hai dòng chất dịch lỏng, một bên thì màu đỏ còn bên kia màu trắng. 
Hỏi: Có đúng là cho đến khi thần thức thoát xác, thi thể mới bắt đầu có mùi hôi và có dấu hiệu thối rữa? 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche:  Sự thật đúng như thế. 
Hỏi: Khi một người chết nhưng thần thức vẫn còn lưu lại trong thể xác. Vậy người ấy có cảm giác gì không nếu bị người khác đụng chạm đến? 
Ðại sư Geshe Lamrimpa:  Họ sẽ không có cảm giác gì cả. Khi phần khô của thần thức tan mất thì người ấy không còn cảm giác nữa. Ðối với các vị Tăng chứng đắc và người Phật tử có tu tập, khi chết, phần tinh tế của thần thức còn lưu lại trong thể xác, thì họ có thể chết ở trong tư thế ngồi thiền, đến khi thần thức thoát xác, thi thể của vị ấy mới ngã xuống. 
Mấy mươi năm trước, khi những người Tây Tạng đầu tiên đến tỵ nạn tại tỉnh Buxa của Ấn Ðộ, một Phật học viện của Phật giáo Tây Tạng nọ, có hai vị tăng đánh nhau và một người chết. Sau đó, vì vụ này mà chính quyền Ấn và người dân địa phương chỉ trích rất gắt gao đối với người dân Tây Tạng, h? nói rằng các tu sĩ Tây Tạng chỉ biết chém giết nhau mà thôi. Về sau có một Lama đức hạnh tên là Gyari Rinpoche, đến từ tu viện Gender ở Tây Tạng, vị này đã viên tịch tại Ấn với tư thế ngồi kiết già trong bảy ngày; Người Ấn được mời đến chứng kiến cái chết lạ thường của vị Lama này và họ cố gắng giật mạnh khăn trải giường để làm cho thi thể của ngài ngã xuống, nhưng ngài vẫn ngồi thẳng như pho tượng, dù trải qua bảy ngày nhưng thể xác của ngài vẫn không có mùi hôi. Sau sự kiện này, quan điểm của họ về các Tăng sĩ Tây Tạng đã thay đổi hẳn, họ không còn phê bình, chê bai nữa. 
Hỏi: Nếu đụng chạm và di chuyển thi thể trước khi thần thức thoát xác có ảnh hưởng gì đến tâm thức của người chết không? Vì ở trong bệnh viện, sau khi người hấp hối ngừng thở và tim hết đập, còn nhiều thủ tục khác chi phối đến tử thi. Sự can thiệp này có hại cho thần thức người chết không?
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Trước hết, nếu đó là một người tinh thông có năng lực thiền định, họ cố gắng luyện tập thiền định sau khi trút hơi thở, nếu ta lắc mạnh thi thể của họ vào lúc họ ở trong trạng thái thiền định thì sẽ khuấy rối tiến trình tập trung thần thức của họ. Do đó, tốt nhất là không đụng chạm đến thể xác họ trong thời điểm ấy. Ngay cả một người thường (người không có tu tập) cũng không nên đụng đến thi thể của họ cho đến ba ngày sau. Nếu một người đang ngủ say, nhưng ta lay mạnh thì họ sẽ thức giấc ngay, người chết ở đây cũng vậy, khi chạm đến họ, không có tác hại gì cho thể xác, nhưng có hại rất lớn đến thần thức của họ. 
Thêm vào đó, nếu chúng ta buộc phải thay tấm khăn trải giường và nệm từ giường của người vừa chết cho sạch sẽ thì cũng nên thao tác nhẹ nhàng. Tương tự, nếu người chết còn mở mắt và hả miệng, nên yêu cầu một người thân trong gia đình đến trước tử thi bày tỏ lòng kính trọng cuối cùng rồi giúp họ khép mắt và miệng lại để trông dễ nhìn hơn. Ðối với những người bị dị tật, tay chân cong quẹo, lúc tẩm liệm phải kéo thẳng ra để dễ dàng đưa vào quan tài. Nhưng mỗi cử chỉ đối với người chết đều phải nhẹ nhàng và thực hiện ba ngày sau khi người ấy trút hơi thở cuối cùng. 
Hỏi: Có lợi ích gì khi chúng ta chạm hoặc kích thích trên đỉnh đầu của người hấp hối và người chết, đặc biệt là người vừa chết? 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche:  Khi một người vừa chết, chúng ta có thể sờ chạm vào đỉnh đầu của họ, đó là vùng huyệt đạo tốt nhất để thần thức thoát ra mà ngài Lama Je Tsong Khapa gọi là "chiếc cổng vàng". Do đó, bạn nên kích thích vào vùng đỉnh đầu, nếu thần thức của người chết thoát ra ngoài bằng đường này thì chắc chắn họ sẽ thác sinh vào cảnh giới an lành. 
Nhưng nếu thần thức thoát ra bằng các đường ở hạ bộ, từ lỗ rốn trở xuống, người ấy sẽ thác sinh vào ác đạo, như cõi ngạ quỷ hay loài cầm thú. Vì thế, người Tây Tạng không bao giờ tiếp xúc phần hạ bộ của thi thể người chết, nếu ta chạm vào chỗ nào của họ thì thần thức sẽ tụ lại chỗ ấy mà thoát ra ngoài
Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche:  Tiếp xúc vào đỉnh đầu của người hấp hối được xem như là đang làm phép "chuyển di tâm thức" cho họ. Thực hiện phép này không phải là một vấn đề đơn giản, phải làm cẩn thận để giúp cho thần thức của người hấp hối tập trung ở đỉnh đầu, chỗ mái tóc giáp nhau, gọi là cửa Brahma. Nếu đầu của người ấy không bị sói thì chúng ta phải nhổ năm ba sợi tóc bên trên cửa ấy và dùng ngón tay trỏ cạo nhiều lần vào chỗ ấy, việc làm này nhằm giúp cho thần thức của người chết biết chỗ mà thoát ra ngoài. Kỹ thuật này cũng thường giúp cho chất nước vàng chảy ra từ cửa ấy, dấu hiệu đó chứng minh cho phép chuyển di tâm thức đã thành công.

THẦN THỨC PHẢI Ở TRONG TRẠNG THÁI TRUNG ẤM BAO LÂU


THẦN THỨC PHẢI Ở TRONG
TRẠNG THÁI TRUNG ẤM BAO LÂU

---o0o---

Hỏi: Sau khi thần thức rời khỏi thể xác và bước vào giai đoạn thân trung ấm giữa đời này và cuộc sống kế tiếp, phải mất bao lâu trước khi thần thức này gá vào một bào thai mới? 
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche:  Thời gian kéo dài trung bình để một người đi tái sinh vào một cơ thể mới là bảy tuần lễ. Cứ sau bảy ngày thì thân trung ấm chết đi và rồi tái sinh lại trong một thân trung ấm khác cho đến khi nó bắt được liên lạc với cha mẹ tương lai mới đi tái sinh. Tuy nhiên có nhiều người sau khi chết chỉ mất hai giây họ đã đi tái sinh vào cảnh giới khác. 
Lý do tại sao thần thức phải chịu đựng trong tiến trình trung gian sinh và tử giống như ma quỷ này? Vì do nghiệp thiện và ác của người ấy gây tạo đời trước sẽ quyết định dẫn dắt họ đến nơi thích hợp, do đó phải cần có thời gian nhất định để tìm kiếm cho một đời sống tương lai. 
Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche:  Bốn mươi chín ngày là thời gian dành chung cho tất cả mọi người, nhưng có một số người khác cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu, có lúc đến bảy năm mới đi tái sinh. Nếu trường hợp họ bị kẹt lại trong thế giới trung gian này, họ sẽ trở thành ma quỷ. Thông thường khi một người đang hấp hối, chúng ta đọc kinh cầu nguyện hoặc nhắc nhở, họ đ?u nghe thấy, thậm chí người bất tỉnh cũng thế. Ðối với vong linh trong cõi trung ấm cũng có khả năng nghe, cảm nhận và hiểu được khi chúng ta đọc sách "Tử thư Tây Tạng" (Tibetan Book of the Death) để cảnh tỉnh họ. Vì thế, trong bảy tuần lễ đầu sau khi chết là thời gian rất quan trọng để cho người sống làm mọi việc có thể giúp sức tái sinh cho người chết. 
Còn thần thức của những bé chết trước khi sinh (bị sẩy thai), trong lúc sinh hoặc tuổi còn nhỏ, sẽ đi qua các trạng thái trung ấm một lần nữa và nhận thấy một hiện hữu khác. Cha mẹ của họ cũng có thể tạo phước (meri-forious acts) để hồi hướng công đức cho vong linh hoặc thực hiện các pháp dành cho người chết như thọ trì thần chú Kim cương Tát đỏa một trăm âm (Hundred - syllable mantra of Vajrasattva), đủ túc số 100 biến, cúng dường đèn, bố thí, phóng sinh các loài vật... để giúp cho thần thức của hài nhi đó được nhẹ nhàng và dễ dàng tìm lối tái sinh. 
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Không thể xác định thời gian chính xác là bao lâu. Nếu một người không phải tái sinh vào cõi người thì họ liền thác sinh đến cõi khác chứ không qua giai đoạn thân trung ấm. Nhưng nói chung một người có thể ở trong cõi trung ấm trung bình là 49 ngày, có người ở một ngày, bốn ngày và có khi bảy ngày... Trong thời gian trụ lại trong trung ấm thân, vong linh tìm kiếm một đời sống tương lai khế hợp với nghiệp của mình để tái sinh. 
Ðại sư Gerje Khamtul Rinpoche: Ðối với một số người thời gian dài nhất là bảy tuần lễ, nhưng có một số khác chỉ ở trong thân trung ấm ba ngày. Phần lớn mọi người đều phải đầu thai sau hai mươi mốt ngày. 
Không phải ai chết cũng qua giai đoạn thân trung ấm. Có một số người tu tập chứng ngộ, có một đời sống phạm hạnh và lợi lạc, khi chết họ trực tiếp tái sinh vào cảnh giới tốt lành chứ không qua giai đoạn trung gian này. Một người phạm tội ngũ nghịch (giết cha mẹ, phá hoại chánh pháp...), hoặc có một đời sống tiêu cực, ác độc... thì sẽ đọa liền vào địa ngục, hoặc một cõi xấu nào đó chứ không qua giai đoạn thân trung ấm.

QUAN ÐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ VIỆC TỰ SÁT


QUAN ÐIỂM CỦA PHẬT GIÁO 
VỀ VIỆC TỰ SÁT

---o0o---

Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Phật giáo như thế nào về vấn đề tự sát? 
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Ðối với người Phật tử, tự giết mình là một tội rất lớn. Vì sao? Bởi vì có được thân người là một trong những điều khó và làm bị thương hoặc hủy diệt thân ấy là một điều sai lầm rất lớn. Tự tử thường bắt nguồn từ kết quả của những cơn nóng giận. Chỉ có giận dữ người khác mà không làm gì được nên trở lại giết chết mình. Ðối với một người không theo đạo Phật cũng thế, tự tử là một hành vi đáng trách và tội lỗi. Sau khi chết, thần thức của họ không có một nơi nào khác là phải lao theo nghiệp ác của mình. Vì thế chúng ta phải nghĩ cách làm thế nào để giúp họ vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần và nỗi khổ đau của họ. Ở trong tình trạng rối loạn, bế tắc và tuyệt vọng, cơn khủng hoảng trầm trọng này có thể đẩy con người đến chỗ tự sát. 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Nhà Phật cho rằng tự tử là một điều tồi tệ nhất mà con người có thể làm. Ðây là một hành động tiêu cực khiến cho thần thức của kẻ ấy gặp khó khăn trong việc tái sinh. Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng thì có hàng trăm vị nam và nữ thần ở trong thân của chúng ta, nếu phạm vào tội tự sát, đồng thời ta cũng giết cả họ. Còn theo Phật giáo Ðại Thừa thì dưới chân của mỗi sợi tóc thì có hàng ngàn tế bào sống khác..., khi ta giết ta thì đồng thời ta cũng hủy diệt chúng. 
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Theo Phật giáo thì tự tử là một hành vi tiêu cực và là nguyên nhân khiến cho thần thức của người ấy rơi rớt vào cõi xấu. 
Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Khi một người tự tử, thần thức của họ thường phải đi theo nghiệp xấu của mình, rất có thể họ sẽ bị một ác ma bắt lấy và chiếm đoạt sinh lực. Ðể giúp cho những người này, các vị thầy có năng lực phải làm nhiều lễ cầu siêu đặc biệt như năm cuộc lễ và những nghi thức khác để siêu độ thần thức cho người chết. 
Hỏi: Trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam, có nhiều Tăng sĩ đã tự thiêu, với động cơ là làm cho thế giới chú ý đến nỗi khổ đau chiến tranh ở VN. Việc tự thiêu của họ phải chăng là hành vi tiêu cực? 
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Các vị Bồ Tát được phép thực thi một số hành vi mà người thường cho đó là tiêu cực. Tuy nhiên, Phật giáo Nguyên thủy phản đối hành động này, vì thế tự tử luôn được xem là hành vi tiêu cực trong truyền thống này. Nếu bạn phân tích kỹ hơn, xem động cơ khiến các vị Tăng này tự thiêu là gì thì chúng ta mới phán xét là tiêu cực hay tích cực. Trong một bộ kinh của Phật giáo có ghi lại câu chuyện về một vị Tỳ kheo trẻ bị một phụ nữ ép buộc phải lấy bà ta. Vị này biết rõ rằng nếu mình chịu lấy thì sẽ phá bỏ giới luật; mặt khác, nếu không chịu lấy, bà ta sẽ vu khống rằng mình đã có những hành vi tồi bại. Vì thế, để giải quyết tình cảnh bế tắc này mà không phạm giới, vị ấy quyết định tự kết liễu đời mình. Suy nghĩ như thế rồi, vị ấy giả vờ đồng ý và nói với bà ấy đợi một chút. Vị ấy vào phòng trong, đóng cửa và tự đâm vào cổ họng mà chết. Trước khi tắt thở, vị ấy kính lễ mười phương Tam Bảo và nói rằng: "Vì tôn kính Tam Bảo và gìn giữ giới hạnh mà con quyết định từ bỏ thân này". 
Trong Kinh nói đây là hành vi tích cực và có công đức. Nếu trường hợp các Tăng sĩ Việt Nam vì động cơ muốn cứu vãn Chánh pháp của đất nước họ không lún sâu vào chiến tranh, vì một động cơ cao cả như thế thì hành vi tự thiêu của họ không thể cho là tiêu cực mà phải được xem là hành vi của các vị Bồ Tát. 
Hỏi: Quan điểm của Phật giáo như thế nào về việc chấm dứt mạng sống trước khi người ấy chết? Bệnh nhân yêu cầu để cho họ chết tự nhiên bằng cách không dùng thuốc hay những phương pháp y học nào đó vì họ quá đau đớn về thể xác và tinh thần trong khi việc điều trị không mang lại kết quả. 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Trong trường hợp này rõ ràng bạn muốn đem lại lợi ích cho người khác, chấm dứt sự đau đớn của họ. Tuy nhiên, cần phải xem xét cẩn thận chứ đừng nên hành động thiếu suy nghĩ, bởi vì giết một mạng người là một tội ác, vì vậy, dù đau đớn dữ dội, thay vì để cho họ chết thì cố gắng dùng hết khả năng để điều trị cho họ, có thể cho họ uống thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần chẳng hạn. Mặt khác, nên nhớ rằng thân người rất khó khăn mới có được. Do vậy, các nhà điều trị phải suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định việc này. 
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Người ta nên tiếp tục chữa trị để giữ mạng sống cho họ. Nếu người ấy chết với trạng thái tâm giận dữ, bất an, tiêu cực hay hôn mê thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu thai và sẽ gặp bất lợi cho đời sống tương lai của họ. Tuy nhiên, nếu cho họ uống thuốc để rút ngắn mạng sống thì cũng không thích hợp. 
Hỏi: Ðôi khi họ muốn được chết thì sao?
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Họ muốn chết trước thời hạn, bởi vì họ không chịu đựng nổi sự đau đớn ngay trong đời này. Nhưng họ đâu biết rằng nỗi khổ đau ấy họ vẫn phải đối mặt trong đời sau, vì thế, tốt hơn hết nên giúp họ điều trị. 
Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Sử dụng máy móc để kéo dài mạng sống của một người không còn cơ may lành bệnh là điều vô lý và hãi hùng. Tốt hơn cứ để cho họ chết một cách tự nhiên trong bầu không khí yên bình. Khi sử dụng máy móc mà không có hy vọng hồi phục cho người bệnh thì việc chấm dứt điều trị bằng máy không phải là tội ác. Rõ ràng không cần thiết để kéo dài sự sống nhân tạo cho họ. Theo cách nhìn của nhà Phật, thì chúng ta nên làm bất cứ điều gì có thể để trợ giúp cho người ấy đối phó với sự xuống tinh thần trong giờ phút đau đớn và sợ hãi, đem lại cho họ niềm bình an vào phút cuối của cuộc đời.

LÀM GÌ ÐỂ CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT?


LÀM GÌ ÐỂ CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT?

---o0o---

Hỏi: Có phương pháp nào tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mình không? 
Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Phương pháp tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mỗi người là nên tu tập tâm linh trong suốt cuộc đời mình. 
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Một lần nữa tôi phải đề cập đến hai hạng người, thứ nhất là tín đồ theo đạo Phật, thứ hai là những người không có đạo. 
Ðối với hạng người thứ nhất đã từng quy y và tu học theo Chánh pháp, khi họ biết rằng cái chết đang đến với họ thì đó là thời gian giúp họ tinh tấn hơn trong việc tu tập của mình. 
Ðối với hạng người thứ hai, chưa hề nghĩ gì về con đường đạo trong cuộc đời họ, nên khuyên họ cố gắng phát khởi tâm đạo, tâm đạo ở đây nghĩa là suy nghĩ về điều tốt, nghĩ và cầu mong điều tốt đến với người khác. Ðây là cách tốt nhất dành cho những người không có đạo chuẩn bị cái chết. 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Giống như ta đi đến một nha sĩ, đó là điều không ai tránh khỏi, việc cuối cùng cũng phải xảy ra, chết cũng thế, vì vậy có gì tốt đẹp bằng nếu ta bắt đầu suy nghĩ về nó ngay bây giờ. Ð? biết rõ về cái chết ta nên hỏi các bậc thầy của mình, những người có kiến thức về cái chết, các ngài sẽ cho chúng ta biết con người sẽ chết như thế nào. Nếu ta có những hiểu biết như thế, ta thật sự không sợ chết và nó sẽ giúp đỡ ta rất nhiều. 
Ðại sư Geshe Lamrimpa: Nếu một người đang chuẩn bị một nơi tái sinh hạnh phúc thì sẽ loại bỏ tham sân si và tịnh hóa mười ác nghiệp nếu đã phạm phải trong quá khứ, bày tỏ sự hối tiếc và lập nguyện không vi phạm giới pháp trong tương lai. Ðây là lời dạy chung cho tất cả mọi chúng sinh. Ðối với một người đã thọ giới để tu hay một hành giả Mật giáo, họ phải sám hối và tịnh hóa tất cả giới luật và lời phát nguyện mà họ đã phá bỏ. 
Mặt khác, nếu muốn đời sau giàu sang thì phải thực hành pháp bố thí, muốn được hạnh phúc thì phải giữ giới hạnh, muốn được trường thọ nên tránh sát sinh, muốn được ngưỡng mộ và tôn kính phải tu pháp nhẫn nhục. Muốn giải thoát thì tu tập sáu hạnh của Bồ Tát, v.v... Nói chung, nếu chúng ta loại bỏ hết ác nghiệp, tịnh hóa hết tất cả nghiệp chướng và hướng đến hành vi công đức, tạo cho ta có một sức mạnh hỷ lạc về nội tâm. Khi cái chết đến với ta, chính năng lực công đức và giới hạnh ấy sẽ tiếp sức cho ta đi tới một đời sống khác an toàn và hạnh phúc. Ðó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mọi người. 
Hỏi: Ở trong Phật giáo có một vài phương pháp thiền quán niệm về cái chết và kể lại tiến trình chết. Loại thiền này có lợi ích gì không ? 
Theo triết học của Phật giáo, phương pháp thiền quán tưởng về cái chết là nhắm vào mục đích để ta ý thức được cuộc đời là vô thường và ta sẽ trở nên quen thuộc với những diễn biến khác nhau về cái chết mà con người sẽ phải đi qua. Ðiều đó rất có ích. Trong pháp tu này, hành giả biết rõ những dấu hiệu xảy ra trong tiến trình đưa đến cái chết như sự suy yếu của sáu giác quan, và sự tan rã dần của thân tứ đại... Rồi tiếp đó, ta cũng nhận ra rằng khi ta tái sinh vì sự hỗn hợp giữa tinh cha, huyết mẹ và thần thức của ta; một lần nữa, ta lại thấy cái chết đến với ba thứ này, tiến trình sinh tử này không dứt cho đến khi ta giác ngộ. Theo triết học Phật giáo Tây Tạng thì luyện tập quán tưởng về cái chết là một pháp tu rất quan trọng. 
***

CHỦ NGHĨA VỊ THA 
LÀ TRÁI TIM CỦA PHẬT GIÁO
Hỏi: Ở phương Tây, nhờ Phật giáo mà trong những năm gần đây có sự phát triển rất nhanh về phong trào thiết lập những Tiếp Dẫn Ðường để chăm sóc cho những người sắp lâm chung. Các ngài có nghĩ rằng chúng ta có thể đem lại lợi lạc cho người chết không? 
Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Tôi cho rằng phong trào này rất tốt bởi vì người phục vụ và người được chăm sóc đều biết rõ mình cuối cùng cũng đi đến cái chết, do đó khi còn sống trên đời này họ cố gắng làm mọi điều tốt đẹp và nhất là giúp đỡ những người sắp lâm chung. Giống như khi bạn đi máy bay, biết rằng bạn đang ở trên không trung và có cảm giác sợ hãi. Nhưng khi bạn thấy xung quanh có đủ tất cả những tiện nghi để giúp đỡ bạn thì bạn cảm thấy như mình đang ở nhà, bạn cảm thấy hạnh phúc về điều đó. Tóm lại, tôi thấy rằng các Tiếp Dẫn Ðuờng ở phương Tây rất tốt, vì nó giúp cho người sắp lâm chung cảm thấy an toàn, tự tin và không sợ hãi nữa. 
Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Ý tưởng thành lập các dưỡng Ðường Tiếp Dẫn cho người sắp lâm chung là biểu trưng cho lòng bi mẫn vô biên của chúng ta đối với người sắp chết. Ðây là một phong trào rất tốt mà tôi cho rằng phát triển nhiều Trung tâm thêm chừng nào tốt chừng ấy. Ở phương Tây xưa nay không quan tâm đến vấn đề tu tập tâm linh, nên người sắp chết rất cần sự nâng đỡ về tinh thần ở cuối đời, điều này giúp cho họ có một sức mạnh nội tâm để vượt qua nỗi hãi hùng của cái chết. 
Cuối cùng, trái tim của Phật giáo là lòng vị tha, nghĩ đến người khác và giúp đỡ cho họ. Chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đem lại sự an ủi, nâng đỡ tinh th?n cho họ mà xã hội đã một thời bỏ rơi và thiếu quan tâm. 
Từ đáy lòng mình, tôi muốn nói lời cảm ơn Thầy (người thực hiện cuộc phỏng vấn này) rất nhiều và tôi phải nói rằng Thầy đừng nghĩ rằng mình đang đơn độc với trong công việc này. Vì tất cả những gì mà Thầy đang làm hiện nay là đại diện cho một đường hướng hoạt động của Phật giáo trong thời hiện đại. Chư Phật, Bồ tát và các vị Thiên thần Hộ pháp luôn ủng hộ và luôn ở phía Thầy.

THỰC HÀNH PHÁP QUÁN VỀ CÁI CHẾT


THỰC HÀNH PHÁP QUÁN VỀ CÁI CHẾT

---o0o---

I. Nội dung của pháp quán : 
Cái chết không thể tránh khỏi. 
 1. Mọi người đều phải chết. 
 2. Tuổi thọ của ta đang giảm xuống theo thời gian. 
 3. Thời gian dùng để tu tập trong đời ta rất ngắn ngủi. 
 Không thể biết khi nào ta chết. 
 4. Tuổi thọ con người không chắc chắn. 
 5. Có nhiều nguyên nhân đưa đến cái chết. 
 6. Cơ thể con người quá mong manh. 
 Thực tế chỉ có tu tập mới có thể giúp chúng ta lúc chết. 
 7. Tài sản và thú vui không thể giúp ta. 
 8. Người thân của ta cũng không thể giúp ta. 
 9. Chính cơ thể của ta cũng không thể giúp ta.
II. Quán niệm như thế nào ? 
Nhiều hành giả đang tu pháp thiền quán niệm (Vipassana) có thể chưa bao giờ niệm về cái chết, vì pháp thiền này nhấn mạnh trực tiếp đến những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại. Khi hành thiền quán niệm bạn không được khuyến khích tư duy. Tuy nhiên trong thiền quán niệm về cái chết bạn phải sử dụng tiến trình tư duy một cách sáng tạo để tạo ra một trợ thủ cho việc phát triển Tuệ giác. 
Thật hữu ích khi bắt đầu pháp quán này bằng cách chú tâm vào hơi thở hay tận dụng những kỹ thuật khác để làm tâm bạn an tịnh. Mỗi ngày bạn có thể luyện tập 20 phút. Trước hết là tìm cách tĩnh tâm. Chọn một trong những đối tượng niệm để quán tưởng và đi sâu vào đó. Khi chấm dứt quán niệm ở phần này bạn lướt qua phần khác (xem lại trong bản nội dung ở trên). 
Cụ thể bạn quán tưởng như sau: Bạn chọn ý tưởng và nói: "Mọi người đều phải chết". Rồi bạn đem ý tưởng đó vào trong suy tưởng và quán niệm nó. Ðây là lúc việc thực hành trở nên rất sáng tạo. Mỗi người đều có thể thực tập theo cách riêng của mình. Bạn có thể quán tưởng chính bản thân mình hay một người bạn của mình đang hấp hối, hay quán tưởng những nấm mồ của người thân trong nghĩa địa, hoặc bộ xương của chính bạn. Mức độ định tĩnh và tập trung mà bạn có được từ quán niệm có liên quan rất lớn đến chất lượng và kết quả tu tập của bạn. Nếu bạn đã có định lực rồi, bạn sẽ trở nên rất linh hoạt, bạn có thể chất vấn, suy niệm và ngay cả chơi đùa với nó: cái chết.

CƠ THỂ SAU KHI CHẾT


CƠ THỂ SAU KHI CHẾT

---o0o---

Phương thức chăm sóc thi hài người chết tùy thuộc theo tập tục và truyền thống văn hóa khác nhau. Những đề nghị sau đây là xuất phát từ kinh nghiệm của chị Joan Hallifax, một Phật tử, chị săn sóc những người hấp hối tại một Tiếp Dẫn Ðường ở Hoa Kỳ. 
* Ngay sau khi chết: 
Giữ cho bầu không khí đơn sơ và yên bình quanh người chết. Nếu có thể, tránh đụng chạm di dời cơ thể ngay sau khi chết. Nếu cần thì phải thật nhẹ tay. 
Khi người ấy đang hấp hối thì cầu nguyện hoặc niệm Phật tiếp dẫn. Sau khi chết, nếu thích hợp thì hãy tụng kinh siêu độ hay tiến hành các nghi lễ truyền thống. 
* Trước khi xác bắt đầu lạnh cứng : 
Khoảng hai giờ sau tử thi mới lạnh cứng, bạn có đủ thời gian để tắm và thay đồ cho người chết. Những thành viên trong gia đình hay bạn bè có thể làm việc này như biểu lộ hành động thân yêu và kính trọng người chết lần sau cùng. Ta biết rằng trước khi mất, người hấp hối có thể ói mửa, đổ mồ hôi hay tiểu tiện. Bạn có thể tắm cơ thể bằng khăn thấm trà thơm và một ít rượu để bịt lỗ chân lông. Nhét bông gòn vào hậu môn, âm vật hay bao cao su bịt dương vật để tránh các chất bài tiết thoát ra. Răng và miệng có thể lau sạch nhưng đừng lấy răng giả ra, vì bạn sẽ gặp khó khăn khi lắp vào lại sau này. Những phản xạ co giật ở cơ mặt và tứ chi cũng thường xảy ra. 
Nên chú ý đến việc ăn mặc và xếp tư thế của tử thi trước khi tử thi lạnh cứng. Hãy mặc đồ vải mỏng, tránh che phủ tử thi bằng khăn trải giường. Tử thi cần an trí ở một nơi càng thoáng mát càng tốt. Quạt máy, máy điều hòa hay cửa sổ mở có thể giúp cho tử thi tươi tốt. 
Một số người chết còn mở mắt, một người thân trong gia đình đến nhẹ nhàng khép mí lại hoặc dùng băng keo dán lại. Miệng cũng có thể mở, bạn có thể dùng một khăn quàng cột quanh đầu để khép lại. Nơi cuối cùng còn ấm là vùng tim hoặc một chỗ nào khác. Theo truyền thống Phật giáo cho biết hơi ấm tụ ở đầu hoặc ở ngực, là dấu hiệu cho biết người ấy sẽ tái sinh vào cõi lành. 
* Làm gì với tử thi? 
Bạn thường lo lắng là giữ tử thi trong nhà không tốt, nhưng không có gì nguy hiểm cả. Chăm sóc tử thi giống như bạn săn sóc một người đang sống, bạn cũng chú ý về y tế, đặc biệt là những người chết vì bệnh dễ lây nhiễm. Cần phải có bác sĩ ký tờ khai tử. Trước khi đến bác sĩ xin giấy khai tử, tốt nhất nên tiếp xúc với cơ quan mai táng, nếu bạn muốn tử thi không bị quấy rầy. Nhớ cởi đồ trang sức của người chết trước khi đưa tử thi đến nhà tang lễ, nếu muốn thì thân nhân có thể mang lại cho người mất trước giờ phút tẩm liệm. 
Một thi thể không ướp phải chôn cất hay hỏa táng trong vài ngày để tránh vi trùng lây lan từ người chết vì bệnh. Cơ quan phục vụ mai táng chỉ đòi hỏi phải ướp xác khi phải đưa tử thi ra nước ngoài, hay đông lạnh trong vòng hai mươi bốn đến bốn mươi tám tiếng sau khi chết. Chú ý việc ướp xác không phải khử trùng xác. Hóa chất dùng trong việc ướp xác là chất độc đối với người sống. 
Ðiều quan trọng nhất là hãy làm theo ý nguyện của người chết.

TIN PHẬT TRƯỚC KHI CHẾT


TIN PHẬT TRƯỚC KHI CHẾT

---o0o---

"Là một người đồng tính luyến ái mắc bệnh Aids (Sida), con có nhiều thời gian để chấp nhận hoàn cảnh bi đát của mình. Nhưng khi nói chuyện với Sư cô về vấn đề chết và hấp hối, con cảm thấy mình có một nhận thức sâu sắc về cuộc sống và chấp nhận căn bệnh quái ác này. Qua phương pháp thiền chữa bệnh, kỹ thuật khống chế cơn đau và nhiều lần tranh luận với Sư cô... giờ đây con có cảm giác yên bình kỳ lạ, một cảm giác mà chưa từng bao giờ có trong cuộc đời của tôi. Theo cái nhìn của nhà Phật thì mỗi chúng sinh đều bị sinh, lão, bệnh, tử chi phối, nhưng dòng tâm thức thì vẫn lưu chuyển từ đời này sang đời khác. Quan niệm này rất chí lý và an ủi con..." 
Trên đây là lá thư cuối cùng của Tim Sulliwan đề ngày 26/6/94 gửi cho tôi (Sư cô T. Wongmo) từ bang Chicago. Tim đến trung tâm tu học Togmay Sangpo tìm kiếm sự bình ổn cho tâm hồn vì tự biết mình sẽ chết trong vòng mấy tháng nữa vì bệnh Aids. 
Giống như một người bị ruồng bỏ, Tim dành hết thời giờ để học Phật. Ðọc sách, bàn thảo về Phật tánh, sự tái sinh, nhân quả, nghiệp báo... tất cả đều làm cho anh say mê và nó đã tạo cho anh một cảm giác dễ chịu. Anh là một người có từ tâm, dù rõ ràng bị đau đớn và đối diện với cái chết, nhưng cái đau lớn nhất của Tim là vẫn lo lắng cho gia đình và bạn bè, những người đang đau khổ vì căn bệnh nan y của anh. Tim tổ chức một buổi họp mặt với số người thân này lại để tôi có dịp giải thích về cuộc hành trình của tâm thức đi tới kiếp sau. Vai trò hộ niệm của người thân rất quan trọng đối với việc chuyển sanh của tâm thức. Người thân có thể cầu nguyện, phóng sanh, bố thí, cúng dường, hồi hướng công đức đó cho người mạng chung thọ sanh vào cảnh giới an lành. Bằng cách tập trung hộ niệm của quyến thuộc và bạn bè như thế sẽ giúp cho tâm thức của người đó tự động nâng lên. Tim và người thân của anh ta nhận thấy ý tưởng này mới lạ và tích cực so với những cảm giác bình thường của sự bơ vơ và chán nản đi kèm với cái chết. 
Ngay cả lúc khó chịu với cơ thể bệnh hoạn của mình, Tim vẫn cố gắng tập thiền và niệm danh hiệu Ðức Phật Dược Sư mỗi ngày. Ðặc biệt, vào những ngày cuối cùng anh quá đau đớn không làm được gì cả, tôi đến hướng dẫn cho anh phương pháp thư giãn khống chế cơn đau. Tim để cho trí não của mình đi theo sự dẫn dắt của thiền và cuối cùng dễ dàng đi vào giấc ngủ. 
Tim thành thật nói với mọi người đừng lo buồn, rằng anh sẽ sẵn sàng đón nhận cái chết. Tim cho thấy sự từ bỏ đó của anh đối với tiền bạc bằng cách ban phát từ thiện. Khi Tim phàn nàn về việc tóc rụng do liệu pháp hóa học (chemotherapy), tôi đề nghị Tim nên cạo nó đi. Thoạt đầu anh ta cảm thấy bồn chồn vì sợ dư luận, nhưng sau đó anh ta cũng cạo nó và bắt đầu mặc chiếc áo thun màu vàng cam. Vì thế chúng tôi thường chế nhạo anh ta trông giống như một "tu sĩ" Chicago.  
Rồi thời gian trôi qua, Tim tự theo dõi khi nỗi lo âu hiện lên trên diện mạo của mình, anh ta cười khúc khích và nói: "đừng quyến luyến nữa!". 
Khi người nhà biết rõ Tim đang hấp hối, tôi được mời đến nhà Tim. Tôi đến anh ta đang vật lộn với bình ôxy và gần như không thể nói chuyện được. Như đã hứa, tôi bắt đầu trì trú hộ niệm và nhắc nhở anh ta nên nhiếp niệm trong giờ phút căng thẳng đó. Tôi hỏi Tim có cần gì nữa không, anh ta tháo mặt nạ ôxy ra và nói : "Không cần gì cả, cảm ơn cô đã lo cho con". Ðó là những lời sau cùng của Tim.  
Tôi nói với Tim: "Mọi thứ đều ổn cả, con có thể ra đi được rồi, đừng quyến luyến và sợ hãi, thôi con có thể ra đi". Tim đáp lại những lời này bằng cách gật đầu và ngừng thở trong yên bình. 
Ðại đức Jangchup tiếp tục niệm Phật tiếp dẫn cho Tim. Bầu không khí trong phòng yên lặng và nghiêm trang giữa tiếng cầu kinh như để đưa lối cho Tim ra đi. 
Sau khi hỏa táng, với tro của Tim, Ðại đức Jangchup đã tạo ra một pho tượng Chuẩn Ðề. Tim đã có dịp tạo ra công đức của mình.

MỘT BẰNG CHỨNG SỐNG VỀ THUYẾT TÁI SINH


MỘT BẰNG CHỨNG SỐNG
VỀ THUYẾT TÁI SINH

---o0o---

Thượng tọa Thubten Zopa Rinpoche, là đồng sáng lập viên "Hội bảo vệ truyền thống Phật giáo Ðại thừa" (năm 1975, văn phòng trung ương đặt tại bang California, Hoa Kỳ). Hiện tổ chức này có gần một trăm chi nhánh trên khắp các châu lục. Vừa qua, một tu viện tại Nepal đã cử hành lễ "thụ phong cho một chú bé bốn tuổi mà giới Phật giáo Tây Tạng xem đây là người tái sinh của cụ bà Amala (mẫu thân của Thượng tọa Zopa Rinpoche). Dưới đây là bài viết của Sư cô Robina Courtin, đúc kết lại những gì đã nghe thấy về cuộc "hành trình chuyển tiếp" khá lý thú này. 
"Tôi đã tìm thấy được mẹ tôi", Ngawang Samten, chị của Thượng tọa Zopa, reo lên một cách vui sướng khi vừa gặp lại cô Merry Colony vào tháng 8 năm 1993, sau hai năm vắng mặt từ ngôi làng bé nhỏ nằm trong vùng núi đá lởm chởm thuộc vùng Khumbu, nước Nepal. 
Cụ bà Amala, bà thân sinh của Thượng tọa Zopa Rinpoche, được rất nhiều người biết đến, đã qua đời vào đầu năm 1991. Merry nghĩ rằng chắc Ngawang Samten muốn ám chỉ một điều gì đó có liên quan đến sự tái sinh của cụ Amala.
Merry rất thân với cụ Amala và Ngawang Samten trong dịp cô đến tu thiền trong một hang động gần đó và thường đến thăm họ ở chùa Lawudo. Cả hai đều là nữ tu, công việc chính của họ là chăm sóc các hang động và ngôi chùa này. Họ đến đây từ Thami, Tây Tạng. 
"Gia đình tôi rất nghèo", Ngawang Samten nhớ lại, "bố tôi qua đời lúc em trai tôi Sangye còn trong bụng mẹ. Mẹ tôi suốt ngày đi chặt củi đổi lấy gạo để nuôi cả gia đình. Bà chỉ kiếm vừa đủ để nuôi anh em chúng tôi và bà thường lượm những mảnh vải người ta vứt trong thùng rác để may áo quần cho chúng tôi". 
"Và bà thường đến biên giới Tây Tạng (hai ngày đi bộ) mua muối đem về bán cho người trong làng - Merry nói - Bà cụ là một người nhỏ nhắn nhưng rất khỏe mạnh, bà làm mất đi nhiều ngón tay của mình khi chặt củi. Giống như nhiều người ở miền núi, bà cụ không biết chữ, bà cũng không biết nhiều về giáo lý. Nhưng bà tin tưởng Ðức Bồ tát Quán Thế AÂm và siêng năng thọ trì câu thần chú : "OM MANI PADME HUM" trong mọi lúc, mọi thời. Bà cụ rất tận tụy với các tăng ni. Mỗi ngày bà đều chăm sóc hang động, quét dọn, cúng dường hương đèn lên các bàn thờ". 
Gần đây, Thượng tọa Zopa Rinpoche cũng cho biết rằng: "Sau khi làm xong mọi việc trong chùa mỗi ngày, bà cụ đều đến đảnh lễ Phật và cầu nguyện cho tôi. Bà cụ nói là bà cụ cầu nguyện cho tôi ba lần trong một ngày, sáng, trưa và buổi tối".  
"Mẹ cầu nguyện những gì ?", tôi hỏi bà cụ, "Bà nói rằng bà chỉ cầu mong chư Phật gia hộ cho tôi vượt qua mọi chướng ngại trên con đường tu học của mình". 
Vào tháng 12 năm 1990, cụ Amala muốn đi thăm Ð?c Dalai Lama (ở Ấn Ðộ) trước khi cụ qua đời. Già và yếu, nhưng bà vẫn cố gắng băng núi đèo để đến Kathmandu, và rồi đến tỉnh Sarnath (Bắc Ấn), đi cùng với bà có cậu út Sangye và Ngawang Samten. 
"Ðó là ngày trăng tròn tháng giêng năm 1991", Sangye nhớ lại, "cũng là ngày cuối cùng của khóa tu Mật tông Kalachakra. Suốt ngày hôm đó cụ Amala, chị Ngawang và tôi đã dự lễ điểm đạo của Ðức Dalai Lama. Sau đó chúng tôi trở lại túp lều và cụ Amala bảo: "Mẹ muốn nghỉ ngơi, đừng quấy rầy mẹ".  Chúng tôi linh cảm có một điều gì đó sắp xảy ra, chúng tôi ngồi quanh giường của cụ, khoảng mấy phút sau, cụ trở mình nghiêng bên phải và rồi mất tại đó. Khuôn mặt bà như đang ngủ". 
"Bà cụ vẫn nằm trong tư thế "kiết tường" như vậy trong ba ngày, nét mặt đẹp hơn, sáng hơn. Chúng tôi không chạm đến thi thể của cụ cho đến chiều ngày thứ ba, nét mặt vẫn không thay đổi. Chúng tôi tiến hành tang lễ và hỏa táng sau đó. Có hơn 200 Tăng Ni và Phật tử đến dự. 
Rõ ràng vào ngày cụ Amala qua đời là ngày trăng tròn, người dân trong vùng Lawudo (ở Nepal) nhìn thấy một con chim ưng lông trắng bay lượn ba vòng ở trong vùng rồi sau đó bay về hướng đông Tây Tạng. Sau này họ nói cho tôi về điều đó, họ nói là họ rất ngạc nhiên". 
Trên đây là toàn bộ câu chuyện mà Ngawang đã kể cho cô Merry nghe, khi cô đến thăm Lawudo vào tháng 8 năm 1993. 
Vào đầu tháng 7 năm đó (1993), Ngawang Samten hay tin một người bạn láng giềng của chị là Lhakpa bị tai nạn, vì thế chị quyết định đi thăm cô ta. Ngawang không gặp cô ta từ khi cụ Amala qua đời. Gia đình cô dời về ở một ngôi làng Genukpa cách chùa Lawudo khoảng mười lăm phút đi bộ. 
Ðó không phải là nơi gần với Lawudo, nên Ngawang Samten và Lhakpa ít khi gặp nhau. Lhakpa bị thương ở chân nhưng không nặng lắm, cô ta rất mừng khi gặp lại Ngawang Samten. 
Lhakpa có bốn đứa con, đứa nhỏ nhất là một cậu bé được sanh sau khi cụ Amala mất vài tháng ở Ấn Ðộ. Lhakpa bắt đầu nói với Samten về đứa con trai út của mình. Nó là một đứa trẻ thông minh lạ thường, cô ta nói, từ khi nó tập nói lúc 2 tuổi, chú bé thường nhắc đến chùa Lawudo, một ngôi chùa mà chú chưa từng biết đến bao giờ. Vì thế, điều này làm cho chị và cả gia đình rất kinh ngạc. 
Và khi Ngawang Samten gặp riêng chú bé, chú dường như nhận ra chị, và chú yêu cầu chị đưa chú đi thăm chùa Lawudo. Chú bé là một đứa trẻ đẹp và khỏe mạnh, chú bày tỏ sự quen thuộc đối với Lawudo - nhắc đến tên của ba con bò chẳng hạn. Và chú tiếp tục nói là chú muốn đi đến đó: "Ðó là nơi cháu đã từng sống", chú nói. Ngawang Samten rất ngạc nhiên, chị bắt đầu đến thăm chú bé thường xuyên hơn và luôn luôn tìm thấy những điều tương tự. Chú yêu cầu chị: "Hãy đưa cháu về Lawudo đi". 
Một điều đáng chú ý hơn, là chú thường nhắc đến Sangye, Thượng tọa Zopa Rinpoche và ngôi tu viện Kopan của ngài, trong khi tu viện đó ở dưới thung lũng Kathmandu. "Cháu tự hỏi không biết khi nào Thượng tọa và Sangye sẽ đến thăm cháu", chú nói. Ngawang Samten đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi chú đưa ra những thông tin mới hơn: "Con đường đi đến tu viện Kopan rất xấu, có lẽ họ đang bận rộn sửa sang lại nó". Rõ ràng đó là sự thật. Chú bé cũng thường bày tỏ ý định muốn đến Kopan một mình. 
Một ý tưởng nảy sinh, phải chăng chú bé này là một bằng chứng tái sinh của mẹ chị? Ý tưởng đó đã ngự trị và trở nên rối bời trong đầu óc của Ngawang Samten. Chị nghĩ rằng mình không thể ngạc nhiên và bỏ qua cơ hội này; chị quyết định trắc nghiệm chú bé. 
Cuối cùng, chị đưa bé về thăm chùa Lawudo. "Ngay khi bước vào phòng ăn", chị nhớ lại, "Chú bé bắt đầu mô tả nhà bếp, những băng ghế, lò sưởi; điều đáng chú ý là chú chạy lên chánh điện và đi kinh hành mấy vòng - giống như cụ Amala đã từng làm. Dù ở đây chú hay bị vấp và té, bởi vì chú nhỏ quá". 
Ngawang Samten cùng kiểm tra với Hòa thượng Wangchuk, một người địa phương  lừng danh trong việc quan sát các trường hợp như thế, và ngài đã xác nhận chú bé này đúng là người tái sinh của cụ Amala. 
Ngawang Samten cũng viết thư cho Hòa thượng Trulshig và Thượng tọa Nyingma thuộc tu viện Thubten Choeling ở Jumberi. Hai ngài đã trả lời thư, chứng nhận rằng chú là một hình dạng khác của cụ Amala và khuyên chị phải làm lễ cầu an cho chú cũng như chăm sóc chú một cách cẩn thận. Ngài Trulshig đã đặt tên cho chú là Ngawang Jigme. 
Ngawang Samten rất sung sướng. Chị quyết định tổ chức lễ cầu an cho Ngawang Jigme, mời tăng ni và bà con trong làng đến dự.  
Trong buổi lễ ở chùa Lawudo, chú bé lại một lần nữa làm cho mọi người phải ngạc nhiên bởi việc đi kinh hành ba vòng trong chánh điện và sau đó chú lễ Phật giống như cụ Amala đã làm trước đây. 
Ngawang Samten may cho chú mấy bộ đồ và trong số đó có cả chiếc mũ len của cụ Amala. Giật lấy chiếc mũ một cách vui mừng, chú reo lên "đây là cái mũ của cháu", và lập tức chú nhận ra một số nút áo cũ mà cụ Amala đã để dành trước kia, nay được khâu vào chiếc áo ấm mới: "Cái nút này của cháu", chú la lên một cách sung sướng. 
Sangye đã nhớ lại trong buổi lễ hôm đó mọi người đều tặng khăn trắng Khatas cho chú, chú đều biếu lại họ theo truyền thống như một cử chỉ ban phước. Ðiều này không có ai dạy cho chú biết trước đó. 
Kể từ hôm đó, chú thường xuyên đến chùa Lawudo, và chú tiếp tục làm cho mọi người phải chú ý về sự hiển lộ trí nhớ của mình. Chú chỉ ra mọi việc trong chùa, trong nhà bếp, trong hang động. Chú biết rõ những thứ đó là gì và dùng để làm gì. Chú cũng hỏi thăm các đồ vật thuộc về cụ Amala mà chú không thấy ở chỗ cũ. 
"Cây đèn của cháu ở đâu". Chú hỏi. Cụ Amala gìn giữ các đồ dùng riêng trên một chiếc kệ trong phòng ngủ của cụ: Một cái kính đeo mắt, một bánh xe pháp luân nhỏ (dùng để cầu nguyện), một xâu chuỗi, một cây đèn dầu... 
Chú bé dường như quyết định tìm các đồ vật và chú tỏ ra bực mình khi không tìm thấy chúng. Cầm tay Ngawang Samten, chú chỉ về phía chiếc kệ: "Cháu muốn lấy cây đèn của cháu về nhà, cháu sẽ mang nó trở lại vào ngày mai". 
"Chú bé rất kỳ lạ", Sangye cảm nhận, "và mọi người gặp chú cũng đều cảm thấy như thế". Cách cư xử của chú quá lạ lùng so với các đứa trẻ khác. Chú hành xử và nói năng như người lớn một cách tự nhiên. Về trí nhớ của chú cũng hoàn toàn chính xác. 
Vào tháng 5 năm 1994, bố mẹ của Ngawang Jigme cảm thấy đã đến lúc đưa đứa con của họ đến tu viện Kopan. Buổi lễ thụ phong được tổ chức để chính thức xác nhận chú là tái sinh của cụ Amala, một nữ tu người Tây Tạng, bởi 250 Tăng ni và Phật tử.  
Cuối cùng, chú cũng đã bước vào tu viện như là một tu sĩ thực thụ và chú sẽ được giáo dục theo một phương pháp dành riêng cho người được xem là tái sinh. Tu viện và các bậc cao đức sẽ tạo cho chú có cơ hội để tiếp tục công việc tu tập, hóa giải nghiệp lực, phát triển tâm linh và hoằng pháp lợi sinh sau này. 
Khi Ðức Dala Lama lần đầu tiên gặp chú bé tái sinh người Tây Ban Nha, Tenxil Osel Rinpoche (1), và Ngài đã thừa nhận chú ấy là hóa thân của cố Lama Thubten Yeshe. Ngài nói: "Tất nhiên, khi chú lớn hơn một chút, tự chú sẽ để lộ ra những chứng cứ cho người ta biết chú thật sự là ai". Và trường hợp của Ngawang Jigme ở đây cũng tương tự như vậy. 
Nhưng nếu bằng chứng đã có giá trị bề mặt thì chú là một minh chứng hùng hồn nhất về công hiệu của luật nhân quả. Ðó là suốt một quãng đời cống hiến và tận tụy mà cụ Amala đã đặt trọng niềm chánh tín của mình cho Chánh pháp để cuối cùng đổi lấy một kết quả thấy rõ, đó chính là sự "quay lại" của mình trong một dáng hình nam tử mà trước đây cụ đã hằng mong ước.

* Ghi chú:
1. Tenzil Osel, sinh ngày 12/02/1985 tại Tây Ban Nha, được xem là hậu thân  của cố Lama Thubten Yeshe (một pháp sư nổi tiếng của Phật giáo Tây  Tạng ở phương Tây, là thầy của Thượng tọa Zopa Rinpoche).  Hiện tại Lama Tenzil Osel 2 tuổi đang sống và tu học ở tu viện Sera, nước Ấn Ðộ.

Chuẩn bị cho một chuyến đi...

Chuẩn bị cho một chuyến đi...

---o0o---

Chết là một sự thật hiển nhiên mà cuối cùng ai cũng phải đối mặt dù mình có muốn hay là không. Ðó là một chân lý mà mỗi chúng ta phải ghi nhớ và chấp nhận, để khi nó đến, ta không còn phải ngạc nhiên, lo âu và sợ hãi. Đoàn Như Khuê (1)  từng nói:
" Biển khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Rốt cuộc rồi trong bể thảm thôi"
Thật vậy trong cái biển khổ mênh mông ấy, chúng ta chỉ là những "khách trần" lai vãng, đến rồi đi, và nếu chết vẫn chưa hết, ta sẽ phải tiếp tục trôi lăn trong "biển khổ" sinh tử luân hồi này. Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu từng nhắc nhở rằng: "Vô thường già, bệnh, chết không hẹn trước với ta", tức là cái chết sẽ đến với ta bất cứ giờ phút nào. Một điều quan trọng mà tất cả chúng ta cần phải khắc trong lòng là sau khi chết, thần thức của ta sẽ không mất, mà nó được lưu chuyển sang một đời s?ng khác. Theo giáo lý nhà Phật, sau khi chết nếu ta chưa đạt Ðạo, giác ngộ và giải thoát, ta sẽ có thể tái sinh, đầu thai vào một trong sáu cõi giới: Cõi trời, Cõi người, A-tu-la, Ðịa ngục, Ngạ quỹ và Súc Sanh. Kết quả được thác sanh vào cõi nào đã được ta thiết lập ngay trong đời sống vừa qua, có nghĩa là trong đời sống hiện tại hôm nay, chính ta đang tạo dựng một đời sống ngày mai của ta vậy. Do đó chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ cần thiết để có thể mang theo làm hành trang cho riêng mình trong cuộc hành trình vô tận đang chờ đợi ta ở phía trước.
Ta phải chuẩn bị điều gì?
Ðó là một câu hỏi lớn, không dễ trả lời. Tuy nhiên, như ở đầu tập sách này, các bậc Thầy người Tây Tạng đã khuyên dạy chúng ta rằng: phương pháp tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết là mỗi người nên làm điều lành và tránh làm điều ác trong suốt cuộc đời mình. Lời dạy này đã cho chúng ta hiểu rằng, tất cả những nghiệp thiện và nghiệp ác mà mình tạo ra trong suốt cuộc đời, từ lúc mới sinh đến khi nhắm mắt lìa đời, sẽ là hành trang mà ta sẽ phải mang theo sau khi ta trút hơi thở cuối cùng ở kiếp này và chính nó sẽ dẫn dắt chúng ta đi tiếp trong các đời sống vị lai.
Do thấy rõ được cảnh khổ của chúng sinh trong sáu cõi giới luân hồi này, mà Bồ tát Ðịa Tạng đã hơn một lần nhắc nhở chúng ta về những quả báo khổ đau mà chúng ta sẽ phải gánh chịu ở tương lai, nếu ta phạm phải ở kiếp này:
Ngài dạy rõ "Nếu gặp kẻ sát hại loài sinh vật, quả báo sẽ bị chết yểu; nếu người trộm cướp, sẽ bị quả báo nghèo cùng khốn khổ; nếu người tà dâm (không chung thủy với vợ hoặc chồng), sẽ bị quả báo làm chim se sẻ, bồ câu, uyên ương; kẻ nói lời thô ác, sẽ bị quả báo quyến thuộc hay kình chống nhau; nếu kẻ hay khinh chê, sẽ bị quả báo không lưỡi hay miệng lở; nếu người thường nóng giận, sẽ bị quả báo thân hình xấu xí; nếu người có tánh bỏn xẻn, sẽ bị quả báo cầu muốn không được toại nguyện; nếu người thường tổ chức săn bắn, sẽ bị quả báo kinh hãi điên cuồng, mất mạng; nếu kẻ trái nghịch với cha mẹ, sẽ bị quả báo trời đất tru lục; nếu người đốt núi rừng cây cỏ, sẽ bị quả báo cuồng mê đến chết; nếu cha ghẻ, mẹ ghẻ ăn ở ác độc, sẽ bị quả báo thác sinh trở lại hiện đời sẽ bị roi vọt; nếu người dùng lưới bắt chim non, sẽ bị quả báo thân quyến chia lìa; nếu người hủy báng Tam Bảo, sẽ bị quả báo đui, điếc, câm, ngọng; nếu người hay khinh chê giáo pháp, sẽ bị quả báo ở mãi trong ác đạo; nếu kẻ lạm phá của Thường trụ, chùa chiền, sẽ bị quả báo ức kiếp luân hồi nơi địa ngục; nếu kẻ làm ô nhục người hạnh thanh tịnh và vu báng Tăng già, sẽ bị quả báo ở mãi trong loài súc sanh; nếu kẻ dùng nước sôi, hay lửa, chém chặt, giết hại sinh vật, sẽ bị quả báo phải luân hồi thường mạng lẫn nhau; nếu kẻ phá giới phạm trai, sẽ bị quả báo làm cầm thú đói khát; nếu người phung phí, phá tổn của cải một cách phi lý, sẽ bị quả báo tiêu dùng thiếu hụt; nếu kẻ thường tự cao kiêu mạn, sẽ bị quả báo hèn hạ, bị người sai khiến; nếu kẻ đâm chọc gây gổ, sẽ bị quả báo không lưỡi hay trăm lưỡi; nếu kẻ tà kiến hay mê tín dị đoan, sẽ bị quả báo thọ sanh vào chốn hẻo lánh..." (lược theo Phẩm thứ hai, Kinh Ðịa Tạng, bản dịch của HT Trí Tịnh).
Nếu ta biết rõ những nguyên nhân và kết quả trên, ta phải cố gắng tránh tạo những ác nghiệp(tham lam, sân hận, si mê, giết hại sinh vật, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu...), và nỗ lực làm những điều thiện (không tham lam, không nóng giận, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, cúng dường, phóng sinh...) để đem an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người. Bài học công bằng mà tất cả chúng ta đều thuộc lòng, đó là, nếu mình đem hạnh phúc cho người, thì mình sẽ được an vui, ngược lại, đem khổ đau cho người, thì chính mình sẽ chịu sự bất hạnh. Niềm hạnh phúc và an lạc hoặc sự bất hạnh và khổ đau , đã, đang và sẽ được chính ta tạo ra và chính ta thừa hưởng ngay trong đời sống này cũng như sau khi chết.
w Những điềm báo trước khi chết:
Những người tu hành đã đắc đạo, họ an lạc, tự tại, thong dong giữa hai bờ sống chết, họ có thể tái sinh về bất cứ cõi giới nào họ muốn. Còn chúng sanh mê muội, phàm phu tục tử đều phải tùy nghiệp mà thọ sanh, tức là sau khi chết, phải chịu sự dẫn dắt của nghiệp lực mà thọ sanh về cảnh giới thích ứng với nghiệp mà mình đã gây tạo. Nói vậy không có nghĩa là Phật tử tin vào thuyết định mệnh, tức là cái đã sắp đặt sẵn mọi chuyện, mình phải đi theo cái có sẵn ấy. Ở đây, không phải vậy, người Phật tử tin rằng mình là chủ nhân của chính mình, tuy nhiên, một khi mình không làm chủ được mình để cho ác nghiệp đã được xảy ra, thì chính cái nghiệp ấy sẽ trở lại điều khiển mình. Do đó người Phật tử hãy thận trọng trong mọi hành vi, lời nói và ý nghĩ của mình, từ nơi đó sẽ đưa chúng ta tới an lạc, và cũng từ nơi đó sẽ đưa chúng ta đến khổ đau.
Theo kinh điển nhà Phật, một người trước khi chết có những điềm báo trước, có thể tùy theo mỗi người mà có cảm thọ khác nhau về cảnh giới thiện hay cảnh giới ác, và những điềm này sẽ giúp cho ta dự đoán được nơi thọ sanh của người quá cố.
w Những điềm lành báo trước sẽ có thể sinh về Tịnh độ:
Tâm hồn không bị bối rối
Biết trước ngày giờ chết
Tâm niệm chân chánh không mất
Biết trước giờ chết mà tắm rửa và thay quần áo.
Tự mình niệm Phật, niệm có tiếng hoặc niệm thầm
Ngồi ngay thẳng, chắp tay niệm Phật mà chết
Mùi thơm lạ lan tỏa khắp nhà
Có hào quang sáng soi vào thân thể
Nhạc trời vang dội giữa hư không
Tự nói ra bài kệ để khuyên dạy người ở lại.
w Những điềm báo trước sẽ có thể thác sinh lên cõi trời:
Móng lòng thương mến
Phát khởi thiện tâm
Lòng thường vui vẻ
Chánh niệm được rõ ràng
Thân thể không bị hôi hám
Sống mũi không xiên xẹo
Tâm không giận dữ
Tâm không luyến ái tài sản, vợ, chồng, con, dòng họ
Mắt luôn trong sáng
Ngửa mặt lên trời và mỉm cười
w Những điềm báo trước sẽ có thể tái sinh trở lại cõi người:
Ðến khi chết vẫn nhớ nghĩ đến điều lành
Thân không đau khổ
Ít nói lời phô trương, thường nghĩ nhớ đến cha mẹ
Tai thường muốn nghe tên họ của anh chị em và bầu bạn
Ðối với việc lành dữ nhận rõ không lầm loạn
Tâm tánh ngay thẳng không ưa sự dua nịnh
Biết rõ bà con bạn bè giúp đỡ cho mình
Thấy bà con trông nom sinh lòng vui mừng
Dặn dò mọi việc trong nhà trước khi chết
Sanh lòng chánh tín, thỉnh Phật, Pháp, Tăng đến đối diện quy y.
w Những điềm xấu báo trước sẽ có thể đọa vào địa ngục:
Gặp phải tình trạng con cái và bà con đều nhìn kẻ sắp chết bằng đôi mắt ghét bỏ
Người sắp chết thường đưa hai tay lên mà rờ mó hư không
Dù bạn lành có khuyên bảo điều hay cũng không tùy thuận
Người sắp chết kêu gào than khóc
Ði ra đại tiện, tiểu tiện mà không hay biết
Nhắm nghiền đôi mắt
Thường hay che úp mặt mày
Nằm nghiêng mà ăn uống
Mình mẩy miệng mồm đều hôi hám
Gót chân, đầu gối luôn run rẩy
Sống mũi xiên xẹo
Mắt bên trái hay động đậy
Hai mắt đỏ ngầu
Úp mặt mà nằm
Thân hình co rút và tay bên trái chấm xuống đất
w Những điềm báo trước sẽ có thể thác sinh vào cõi giới ngạ quỹ:
Ưa liếm môi miệng
Thân nóng như lửa
Thường lo đói khát và hay nói đến việc ăn uống
Mắt thường hay trương lên mà không nhắm
Hai mắt khô khan như mắt chim gỗ.
Ðầu gối bên phải lạnh trước
Tay bên phải thường nắm lại
w Những điềm báo trước sẽ có thể thác sinh vào loài súc sanh:
Yêu mến vợ con, đắm đuối không bỏ
Ngón tay và ngón chân đều co quắp
Khắp trong thân mình đều toát ra mồ hôi
Tiếng nói ra khò khè
Miệng thường ngậm đồ ăn
w Hộ niệm cho người hấp hối:
Nếu người hấp hối đang ở trong bệnh viện, người thân nên đến chùa (hoặc điện thoại) thỉnh quý Chư Tăng Ni và Ban Hộ Niệm đến giường bệnh để tiếp dẫn cho người mất. Nếu gia đình không quen biết chùa nào, có thể tìm đến khoa Chăm sóc về tinh thần (Pastoral Care - các tu sĩ, giáo sĩ các Tôn giáo chính, được mời vào làm việc toàn thời hoặc bán thời tại nơi đây. Phân khoa này cũng có một Trung Tâm Cầu Nguyện (Worship Center) nằm ngay trong khuôn viên bệnh viện để cung ứng cho niềm tín ngưỡng của bệnh nhân) ngay trong bệnh viện đó để nhờ văn phòng này mời quý Thầy đến hộ niệm.
Nếu không cung thỉnh được quý Thầy, Cô đến hộ niệm, hoặc nhà ở xa chùa, thì có thể mở băng cassette niệm danh hiệu Phật cho người hấp hối và con cháu trong nhà đứng xung quanh giường bệnh để niệm lớn câu: Nam Mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Phật, niệm liên tục cho đến lúc người ấy trút hơi thở cuối cùng, chứ không được khóc kể, sầu thảm. Nếu cứ khóc than như thế sẽ khiến cho thần thức của người sắp ra đi quyến luyến mãi không rời khỏi thân xác, hoặc nếu có rời khỏi thi thể thần thức người ấy vẫn quanh quẩn trong nhà chứ không thể siêu thoát được. Một người thân hoặc người lớn tuổi trong gia đình nên đến bên cạnh người hấp hối nhắc nhở họ về nguyên lý vô thường: " Cõi đời là huyễn ảo, vô thường, mọi sự vật hiện tượng sinh rồi diệt, hội họp rồi chia ly, xin người đừng quyến luyến nữa, hãy xả bỏ tất cả và ra đi trong thanh thản".
Sau khi người bệnh vừa tắt thở: người thân nhất nên điều chỉnh thi thể trở lại cho ngay ngắn, mọi động tác đều phải thật nhẹ nhàng, tránh đụng chạm mạnh đến thi thể, vì lúc ấy thần hồn của người chết chưa ra khỏi thi thể, dễ có cảm giác đau đớn và khó chịu, chính sự khó chịu ấy sẽ khiến cho thần thức của người thác sinh vào cõi ác xấu. Cho nên phải cố gắng càng hạn chế chạm đến thi thể người vừa tắt thở càng tốt. Ba hoặc năm tiếng đồng hồ sau khi tắt thở, gia đình có thể dùng nước ấm, nước hoa hoặc rượu cồn (alcohol) để tắm cho người chết và thay quần áo mới. Tất cả nữ trang phải được tháo ra, để ngăn ngừa kẻ tham lam có thể xâm phạm đến tử thi. Nếu là tín đồ Phật giáo nên mặc lót bên trong một bộ đồ màu trắng, mới và sạch, bên ngoài mặc áo tràng màu nâu hoặc màu lam và đắp một cái mền Quang Minh bên trên.
w Tang sự:
Lễ tang được bắt đầu sau khi người thân của mình qua đời, có nhiều việc cần thiết phải làm. Những người có trách nhiệm phải thật bình tĩnh mới có thể giải quyết được công việc. Nếu người mất theo tín ngưỡng nào thì nên tôn trọng niềm tin của họ mà tổ chức tang lễ theo nghi thức của tôn giáo ấy. Riêng Phật tử, nên tổ chức theo nghi lễ của Phật giáo. Nghi lễ này được diễn ra gọn gàng, đơn giản, trang nghiêm, ít tốn kém, và không theo tập tục mê tín của thế gian, như đốt vàng mã, lầu đài, nhà kho...
Công việc đầu tiên là một hay hai người trong gia đình phụ trách liên lạc với quý Thầy để chọn ngày giờ thích hợp cho việc tẩm liệm, phát tang, di quan và an táng, một mặt liên lạc với Sở Mai táng, để lo mua quan tài, đặt xe tang, nơi an táng... Những người còn lại trong gia đình chia nhau mỗi người mỗi việc, thông báo cho thân nhân ở xa, viết cáo phó gởi báo, đài, quét dọn nhà cửa, bàn thờ Phật, Tổ Tiên, sắm sửa đèn nến, hương hoa, trang hoàng bàn vong để thờ phụng người quá cố.
Bàn thờ Phật cần được trần thiết trang nghiêm với một hình hoặc tượng Phật đặt ngay ngắn ở giữa, hai chân đèn, lư hương, đĩa trái cây, bình hoa, hai ly nước trong...
Bàn thờ Vong, cũng phải trang hoàng cho đẹp đẽ với cặp chân đèn, đĩa trái cây, bình hoa, ba ly nước, một bài vị (gồm có tên tuổi, ngày sinh, ngày mất) do Thầy viết. Và đặc biệt là di ảnh của người chết, phải chọn một tấm hình đẹp, rõ ràng của người quá cố để thờ.
w Tẩm liệm, phát tang, cúng cơm và an táng:
Ðến thời điểm thích hợp đã định trước, quý Thầy Cô, ban Hộ Niệm cùng tang quyến và bạn bè thân hữu vân tập trước bàn thờ Phật để tụng Kinh và cầu nguyện cho vong linh người quá cố. Sau khi nắp quan tài đậy lại là lễ Phát tang (còn gọi là lễ Thành phục). Tất cả con cháu đều quỳ ngay thẳng trước linh đài của người mất. Quý Thầy tụng Kinh và sái tịnh vào khăn tang, rồi phát tang cho tang quyến. Mỗi người đều lạy hai lạy và nhận chiếc khăn màu trắng, rồi chít khăn lên đầu và mặc quần áo tang.
Theo tục lệ truyền thống, người con gái chỉ đeo khăn tang, quần tang mà không có áo. Người con rể, chỉ quấn khăn tang là đủ. Riêng hàng cháu, chắt, trên khăn tang có đính thêm một miếng vải nhỏ hình tròn màu xanh hay màu đỏ tùy theo bên nội và bên ngoại. Vợ chồng để tang cho nhau, chỉ cần bịt một khăn tang là đủ.
Sau khi lễ phát tang là lễ cúng cơm (tiến linh). Tất cả nên cúng thức ăn chay, cúng nước trà thay vì cúng rượu. Tiếp đó là lễ tụng kinh cầu siêu cho hương linh. Trong tang lễ, phần quan trọng nhất là tụng kinh cầu nguyện cho thần hồn người chết siêu thoát, chứ không phải chú trọng về hình thức cúng kiến, đờn trống, nhạc Tàu, nhạc Tây.... Những hình thức bề ngoài chỉ cốt để làm nở mặt nở mày của tang quyến đối với người ngoài, chứ không ảnh hưởng gì đến thần thức người quá cố.
Ðến ngày an táng linh cữu, tang quyến cùng bè bạn thân hữu cùng quý Thầy Cô và ban Hộ niệm tiễn đưa linh cữu đến nơi an táng (địa táng hay hỏa táng tùy theo sự chọn lựa của người quá cố), tất cả nên thành tâm niệm Phật để tiếp dẫn vong linh đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Sau lễ an táng, chủ nhà rước vong linh về nhà hoặc chùa để làm lễ An Sàng, tức là lễ an vị vong linh và di ảnh của người quá cố. Có nhiều người hiểu lầm lễ này gọi là lễ ăn sàng, nên bắt buộc tang quyến phải tổ chức tiệc tùng để được ăn uống. Ðây là một sự thật đáng buồn.
Sau lễ An sàng, là cúng tuần thất (7 ngày sau khi qua đời), cúng Bách nhật (100 ngày), cúng Tiểu tường (giáp năm, 365 ngày) và cúng Ðại tường (ba năm xả tang, còn gọi là mãn tang hay mãn khó, tức là đúng 1095 ngày), rồi từ đó mỗi năm cúng lễ giỗ tưởng niệm (cúng đúng vào ngày mất gọi là Chánh kỵ, trước ngày mất gọi là Tiên Thường). Và nếu gia đình tang quyến có điều kiện nên tổ chức lễ Trai Tăng cúng dường, bố thí, phóng sanh các loài vật, đi lễ Phật và cúng dường 10 chùa, để hồi hướng công đức ấy cho vong linh người quá cố, giúp họ tái sinh vào cõi giới an lành.
Tóm lại, theo giáo lý nhà Phật, chết chưa phải là hết mà còn nhiều vấn đề khác nữa, nếu người quá cố chưa giác ngộ giải thoát, chưa giải quyết được vấn đề sinh tử ngay trong kiếp sống hiện tại này, thì còn vô số đời sống khác đang đợi chờ họ ở phía sau.